Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhu cầu tiêu thụ cá chế biến tăng mạnh tại châu Âu

Nguyên nhân là các hộ gia đình tìm kiếm các loại thực phẩm có thể bảo quản lâu để dự trữ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu các sản phẩm chế biến, đóng gói và đông lạnh lại tăng tại châu Âu. Ở Albania, các doanh nghiệp chế biến cá khô đang được hưởng lợi. Nắm bắt được nhu cầu tiêu thụ các loại thực phẩm đã qua chế biến tăng cao trong đại dịch, các doanh nghiệp ở quốc gia Đông Âu này đã tăng cường xuất khẩu cá khô vào thị trường các nước trong Liên minh châu Âu.

Tại nhà máy Nettuno chuyên chế biến cá nằm trong cảng Durres của Albania, 50 nữ công nhân luôn bận rộn đóng gói cá cơm. Số hàng sau đó sẽ được chuyển đến Italy và Tây Ban Nha - những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Cá cơm sau khi được đánh bắt sẽ được chuyển về nhà máy. Các công nhân sẽ rửa sạch, lọc xương ra rồi đóng gói chúng vào những chiếc lọ hay những chiếc túi và hút chân không để đảm bảo an toàn cho người dùng. Để đảm bảo các qui định về giãn cách phòng dịch, nhà máy đã buộc phải giảm bớt số lượng công nhân.

 - Ảnh 1.

Tại Albania, các doanh nghiệp chế biến cá khô đang được hưởng lợi. Ảnh minh họa.

Tuy vậy, trước nhu cầu tiêu thụ cá đóng hộp gia tăng ở một số nước ở châu Âu, nhà máy đang cố gắng tăng sản lượng.

"Các sản phẩm cá cơm có thể xuất đi tới bất cứ nơi nào trên thế giới. Trong khi, con người đang gặp phải rất nhiều rắc rối do lệnh hạn chế đi lại, còn cá cơm không gặp phải vấn đề này. Cá cơm sẽ được chuyển tới Tây Ban Nha, Italy hay các nước khác", ông Orlando Salvatore - Chủ nhà máy Nettuno nói.

Trước đại dịch, nhà máy đã xuất khẩu hơn 25 tấn cá cơm đóng hộp mỗi tháng sang Italy và Tây Ban Nha. Nhưng kể từ khi đại dịch xảy đến, các đơn đặt hàng đã tăng tới 30% lên mức 34 tấn mỗi tháng. Sở dĩ vậy là do nhiều gia đình ở các nước trên muốn dùng thêm các đồ đóng hộp để giúp cho bữa ăn thêm phong phú và giàu chất dinh dưỡng.

"Cá cơm giúp góp phần chống lại Covid-19 nhờ rất giàu dinh dưỡng. Có thể nói sản phẩm này rất được người tiêu dùng ưa chuộng và trở nên phổ biến trên thị trường", bà Ada Taveshi - chuyên gia Nhà máy Nettuno nói.

Trước nhu cầu tiêu thụ cá cơm ngày càng tăng, ông Salvator cho biết ông dự định sẽ mở thêm một nhà máy khác ở Albania. Qua đó sẽ giúp tăng gấp sản lượng cá chế biến.

Mặc dù phải làm việc thêm giờ song những công nhân trong nhà máy của ông Salvator vẫn cảm thấy may mắn vì dù sao họ vẫn còn có việc để làm, trong khi nhiều người khác đang bị thất nghiệp vì dịch bệnh. Mỗi ngày họ kiếm được 30 Euro (hơn 800.000 đồng) từ việc đóng gói cá.

Chị Landa Tabaku - nhân viên Nhà máy Nettuno nói: "Chúng tôi rất vui khi sản phẩm cá cơm của chúng tôi được xuất đi châu Âu, Tây Ban Nha, Pháp. Doanh số bán hàng vẫn tốt dù kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phải làm việc không nghỉ mới có thể đáp ứng được nhu cầu".

Năm ngoái, Albania là quốc gia xuất khẩu cá cơm lớn thứ ba vào Liên minh châu Âu.