Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nhựa sống bên dòng Tô Hạp

(Dân sinh) - “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” - những người già bên dòng Tô Hạp (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) thường nói với nhau như thế. Con sông có từ bao giờ không ai biết, nhưng từ thuở sơ khai sông như một “ân nhân” đặc biệt của buôn làng, đồng hiện minh chứng cho tất thảy thăng trầm của vùng đất nhiều huyền tích, thi vị này.

Nhựa sống bên dòng Tô Hạp  - Ảnh 1.

Từ trên cao nhìn xuống, tỉnh lộ 9 như một dải lụa kết nối miền xuôi với Khánh Sơn.

Ngăn kẻ xấu, bồi đắp phù sa

Sông Tô Hạp chảy qua hầu hết các xã của huyện Khánh Sơn. Tên sông được lấy theo tên một loại dược liệu quý chỉ mọc ở vùng này và được người bản địa luôn sẵn lòng chia sẻ với các dân tộc anh em.

 Đứng bên sông, cảm thức về những năm tháng hào hùng ùa về, y tá Mấu Văn Tùng (xã Sơn Bình) chộn rộn nhiều dòng cảm xúc đan xen. Ông Tùng cho biết: Sông phải hứng chịu bao trận oanh tạc của kẻ thù, nhưng sau giải phóng phù sa lại luôn ắp đầy, tạo nên những vụ mùa bội thu.

 Lục lại ký ức của mình, già làng Cao Nhân Hùng (xã Sơn Hiệp) nhớ như in: Cộng đồng các dân tộc ở Khánh Sơn (chủ yếu dân tộc Rắk Lây) kiên trung một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, che giấu bộ đội, thành lập các đội du kích đánh địch đến cùng. Men theo dòng Tô Hạp kéo dài từ xã Ba Cụm Nam qua xã Sơn Trung, Tô Hạp, Sơn Hiệp… đến xã Sơn Bình là căn cứ cách mạng vững mạnh bao phen khiến kẻ địch khiếp hãi. Địch ví Tô Hạp như "thung lũng tử thần" bởi hàng loạt cuộc tấn công của chúng đều bị đánh bật khỏi căn cứ. Tiêu biểu nhất là trận chiến tháng 6/1963, địch huy động hơn 1.600 quân, 23 máy bay trực thăng, 2 máy bay trinh sát, 5 máy bay khu trục, 1 đại đội pháo 105 ly… nhưng đã thất bại thê thảm và thung lũng Tô Hạp trở thành nỗi ám ảnh của chúng.

Nhựa sống bên dòng Tô Hạp  - Ảnh 2.

Dòng Tô Hạp không bao giờ vơi nước, bốn mùa bồi đắp phù sa.

Sau ngày giải phóng, bộn bề khó khăn nhưng lòng cần mẫn cộng với những đôi tay chăm chỉ đã ươm xanh những quả đồi, những đồi cát như sa mạc.

Già làng Cao Văn Nhiến, một trong những cựu chiến binh tiêu biểu thời chống Mỹ, từng làm Phó Ban chỉ huy quân sự huyện Khánh Sơn tự hào: Người Rắk Lây cùng các dân tộc khác ở Khánh Sơn không bao giờ ỷ lại. Không phá được các căn cứ cách mạng, địch ráo riết ném bom nhiều nơi làm cây cối chết khô. Nhưng rồi, dòng sông lại ào ạt đưa nước ngọt về, bồi đắp phù sa, lấy lại sức sống cho các buôn làng.

Ngọt ngào cây trái

Được hưởng đặc ân từ sông Tô Hạp, nông dân Khánh Sơn ví mình như những cánh chia Tia Chôm, chim Phí dù có bôn ba nơi đâu rồi cũng hướng về nguồn cội, về những nóc nhà ẩn hiện dưới sương mù ngày trở gió. Phải dành cho quê hương mà rộng ra là Tổ quốc một tình yêu son sắt nhất. 

Quyết không để lãng phí tài nguyên, người Khánh Sơn bắt tay vào làm cuộc "cách mạng" thay đổi hẳn thói quen canh tác cũ. Không phát, đốt, chọc, tỉa, người dân Khánh Sơn đã từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng tạo ra hàng hóa. Các loại cây sầu riêng, măng cụt, mía tím… nhanh chóng bén rễ và đổi về hàng ngàn chiếc ti vi, xe máy, nhà mới… tạo nên những mùa xuân ấm cúng, đủ đầy.

Nhớ những buổi vật lộn thu nạp kiến thức trồng sầu riêng từ hàng chục năm trước, ông Cao Long (xã Sơn Bình) vẫn ngỡ như mình đang mơ. Ông Long chia sẻ: Chả nghĩ mình sẽ trở thành triệu phú. Hồi ấy, cán bộ xuống tận ruộng chỉ tay cách trồng. Họ bảo giấc mơ nhà lầu, nuôi con đại học…sẽ từ giống cây này.

Nhiều nông dân như mình cứ mơ mơ, màng màng. Nhưng nghe mãi rồi cũng thấm, làm mãi thành quen. Vụ đầu tiên, quả trĩu cành, thơm ngon lạ lùng. Và ngay từ những ngày đầu tiên ấy, ai cũng phải cam kết tuyệt đối không được dùng bất cứ thứ hóa chất nào ủ hay kích thích trái. 

Nhựa sống bên dòng Tô Hạp  - Ảnh 3.

Những đứa trẻ trên cầu Tô Hạp gọi nhau đi học đàn đá, học chiêng.

Mấy mùa sầu riêng đầu, người Khánh Sơn mang đi các huyện lân cận và mời người dân ăn. Ai cũng cảm nhận rõ từ mùi vị đến màu sắc khác hẳn sầu riêng ở những vùng đất khác. Do đó thương lái khắp nơi cấp tập đến mua. Từ vài ha trồng thử nghiệm năm 1996, cuối năm 2019 đã lên gần 1.000 ha.

"Lột xác" từ nghèo đói thành đại gia sầu riêng, ông Bo Bo Khá (người Rắk Lây, ở thị trấn Tô Hạp) phấn chấn: Chả riêng mình tôi, hàng trăm người khác cũng giàu lên với loại cây này. Hiện tôi canh tác gần 2 ha, mỗi năm lãi gần 800 triệu đồng.

Sầu riêng trở thành cây "nữ hoàng" của miền đất cao và xa này, giá luôn cao hơn nơi khác nhiều. Lợi dụng yếu tố này nhiều thương lái nhập sầu riêng trôi nổi, phun thuốc ép chín rồi dán mác "sầu riêng Khánh Sơn" bán kiếm lời. Nhiều người Rắk Lây "mật phục" bắt được nhưng vẫn nhân từ mời về làng và…cho ăn sầu riêng và phân tích những tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe nên họ cam kết không làm ẩu nữa. 

Nhựa sống bên dòng Tô Hạp  - Ảnh 4.

Sầu riêng - "nữ hoàng" tạo nên đời sống ấm no cho người Khánh Sơn.

 Nối những bờ vui

Già làng Cao Văn Nhiệp (thị trấn Tô Hạp) bồi hồi: Mấy chục năm trước để từ Cam Ranh theo đường đất tỉnh lộ 9 độc đạo lên Khánh Sơn phải chạy máy cày mất cả ngày trời. Nhưng nay đường nhựa láng bóng, xe chạy bon bon. Từ trên cao nhìn xuống, tỉnh lộ 9 như một dải lụa kết nối vùng biển, miền xuôi với huyện miền núi đặc biệt này. Người dân Khánh Sơn sáng uống cà phê ở Tô Hạp trưa đã có thể giao thương ở TP. Nha Trang, TP.Cam Ranh, Ninh Thuận. Các tuyến đường liên thôn, liên xã nhanh chóng được kiên cố hóa. Các làng hai bên sông Tô Hạp cũng được kết nối với nhau bằng những cây cầu sắt chắc chắn. Trên cầu treo Tô Hạp mỗi chiều, những đứa trẻ Rắk Lây, Kinh bấm điện thoại thông báo giờ học phụ đạo, học cồng chiêng, học đàn đá, học những điệu múa uyển chuyển, phóng túng như tính cách của những cư dân nơi đây. Đứng bên dòng Tô Hạp, nghệ nhân Mấu Xuân Điệp tâm tình: Đàn đá, đàn Chapi, mã la (cồng chiêng), múa… là đặc sản của cộng đồng người Rắk Lây. Thời gian có thể bào mòn nhiều thứ nhưng niềm đam mê những đặc sản này không thể để lạnh, phải dùng tình yêu và trách nhiệm để truyền thụ.

Sầu riêng ở Khánh Sơn được trồng theo quy trình sạch, cam kết bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, đã được Tổng hội NN&PTNT Việt Nam bình chọn "Thương hiệu Vàng nông nghiệp năm 2019" . Bên cạnh sầu riêng, Khánh Sơn còn có 319 ha bưởi da xanh, 66 ha quýt, 32 ha măng cụt, 166 ha chôm chôm, 300 ha mía tím. Huyện miền núi này thành vựa trái cây sạch lớn nhất Nam Trung bộ.