Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Những cô giáo dạy học sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin

Các cô giáo đã tìm cách đưa công nghệ thông tin (CNTT) vào mỗi bài giảng, thổi hồn vào những bài đồng dao, làm sống lại nhiều trò chơi dân gian xưa cũ, đổi mới sáng tạo các tiết học STEAM...

Theo quan điểm của Microsoft, công nghệ không thể thay thế giáo viên, song nếu giáo viên biết vận dụng công nghệ thì hiệu suất giảng dạy sẽ cao hơn gấp bội. Với triết lý này, trên diễn đàn Microsoft Education Exchange, các nhà giáo dục khắp thế giới đã chia sẻ cả nghìn ý tưởng giảng dạy sáng tạo trên nền tảng công nghệ nhằm gia tăng trải nghiệm của học sinh. Trong đó, có nhiều dự án triển khai thành công đến từ Việt Nam.

Gây ấn tượng nhất là dự án “Cho em tuổi thơ” của cô Võ Thị Như Nhi (trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Hồ Chí Minh) cùng 48 em học sinh khối 2 - 5. Dự án không chỉ làm sống lại những bài đồng dao “Kéo co” ở lớp 3, bài “Cánh diều tuổi thơ” ở lớp 4... mà còn góp phần giải quyết thực trạng nhức nhối “không có tuổi thơ” của trẻ em thời nay. Khảo sát trên 300 học sinh của cô Nhi cho thấy, 98% học sinh phố thị ở nhà chỉ biết xem ti vi, 68% cuối tuần phải đi học thêm, 32% không hề biết trò chơi dân gian là gì, dù chỉ là qua sách vở...

Những cô giáo dạy học sáng tạo trên nền tảng CNTT - Ảnh 1.

Cùng với 6 nhóm học sinh, cô Nhi đã làm sống lại những giá trị văn hóa xưa cũ, mà vẫn trao cho trẻ những kỹ năng công nghệ cấp thiết trong thế kỷ 21. Nhóm Nhà nghiên cứu đứng ra làm báo cáo bằng Power Point, trình chiếu trước hàng trăm cha mẹ và nhà thơ Trần Quốc Toàn. Nhóm nhà khảo sát sử dụng công cụ Excel điều tra thị hiếu học sinh, sau đó chuyển cho nhà thiết kế nhí in các trò chơi dân gian lên tà áo dài, còn kỹ sư nhí làm sống lại các trò chơi này bằng vật liệu tái chế. Cuối cùng, nhóm nhà truyền thông sẽ tự thiết kế poster, quay phim, tạo fanpage... để quảng bá dự án đến với toàn trường.

Chỉ sau một tháng triển khai, giờ ra chơi trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được “khoác tấm áo mới”. Từng tốp học sinh chơi banh đũa, ô ăn quan, mèo đuổi chuột, bịt mắt bắt dê... hay cùng nhau hát đồng dao, giải toán về trò chơi dân gian nhộn nhịp ngay giữa sân trường và lớp học. Cô Nhi tin rằng, những trải nghiệm này sẽ nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo của các em cho đến khi khôn lớn.

Những cô giáo dạy học sáng tạo trên nền tảng CNTT - Ảnh 2.

Dự án “Pin cũ với môi trường” của cô Lê Kim Thu (trung học phổ thông Tân Lập, Hà Nội) cũng có sức ảnh hưởng không kém. Lần đầu tiên, trẻ hiểu được sức tàn phá môi trường của một viên pin tiểu có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 mét khối đất trong suốt 50 năm. Nhờ đó, trẻ biết cách xử lý pin cũ an toàn, không bỏ chung với rác thải hàng ngày và lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng bằng các poster tự in, truyện tranh tự thiết kế...

Thông qua các bài giảng trình chiếu sinh động bằng Microsoft Office trên lớp, cô Kim Thu còn cung cấp nền tảng kiến thức 3 môn tự nhiên để trẻ sáng tạo tự làm pin điện thân thiện với môi trường. Pin hoa quả, pin dung dịch muối, pin sử dụng nước ô nhiễm dùng để thắp sáng bóng đèn Led và đồng hồ... là những “trái ngọt” sáng tạo ngoài mong đợi, khi cô trao quyền tự do chọn làm điều mình thấy có ý nghĩa xã hội cho các học sinh.

Những cô giáo dạy học sáng tạo trên nền tảng CNTT - Ảnh 3.

Liên quan đến chủ đề năng lượng, dự án “Nhà thông minh” của cô Trần Phương Diệp (Trường Việt Úc, thành phố Hồ Chí Minh) đã nhận được đánh giá cao từ cộng đồng diễn đàn Microsoft Education Exchange. Bằng cách tạo ra các bài giảng lý thú đón đầu xu hướng “Smart Home” trong thời đại công nghiệp 4.0, cô giáo trẻ đã gặt hái được nhiều thành tựu vượt qua cả kỳ vọng ban đầu.

4 nhóm học sinh dưới sự hướng dẫn của cô Diệp đã tạo ra được hàng loạt mạch đèn điều khiển bằng smartphone qua giọng nói; mạch tự động tắt mở đèn nhà vệ sinh và đèn cầu thang; mạch tự động tưới nước khi đất khô; mạch tự động mở đèn khi trời tối và tắt đèn khi trời sáng; hệ thống lọc nước sạch tái sử dụng thân thiện với môi trường.

Những cô giáo dạy học sáng tạo trên nền tảng CNTT - Ảnh 4.

Những tiết học vận dụng kiến thức STEAM, Internet vận vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI)... thu hút nhiều học sinh say sưa nghe giảng, vùi đầu lắp ráp trong phòng thí nghiệm. Có những em mê mẩn bộ mạch điện đến mức thức tận khuya để cùng nhóm hoàn thiện báo cáo. Cô Diệp cho biết, các công cụ như Microsoft Team, Onenote classbook, Onedrive... giúp học sinh có thể kết nối liền mạch và hoàn thành dự án với điểm số cao nhất.

Dù chủ đề dự án khác nhau, song cách tiếp cận mới mẻ của 3 cô giáo đều truyền cảm hứng nghiên cứu cho học sinh các độ tuổi khác nhau. Các giáo trình cập nhật xu hướng giảng dạy Tin học ứng dụng và Khoa học máy tính xuyên suốt quá trình lên kế hoạch lẫn thực hiện. Trở thành một giáo viên sáng tạo không phải là sở trường của tất cả người làm nghề giáo, song bằng sự trợ giúp của phần mềm công nghệ và cập nhật các bài giảng sáng tạo từ diễn đàn Microsoft Education Exchange, điều đó luôn có thể thực hiện được.

Microsoft Education Exchange là nơi các nhà giáo dục khắp thế giới trao đổi ý tưởng cải tiến trải nghiệm lớp học. Được tổ chức thường niên từ năm 2014, diễn đàn nhận được hàng nghìn sản phẩm sáng tạo mỗi năm từ hơn 5.400 giáo viên trên toàn quốc.

Chương trình Education Exchange 2020 đã chính thức nhận sản phẩm dự thi từ 15/11/2019 đến 15/12/2019. 50 sản phẩm đáp ứng các tiêu chí “Hợp tác – Sáng tạo – Hòa nhập – Tăng cường tiếng nói học sinh” sẽ được trưng bày tại diễn đàn Education Exchange Việt Nam và lựa chọn đại diện quốc gia tham dự diễn đàn Education Exchange toàn cầu tại Sydney (Úc).