Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Những điều cần biết về bệnh Whitmore - vi khuẩn “ăn thịt người”

(Dân sinh) - Vi khuẩn Whitmore - vi khuẩn “ăn thịt người” khi xâm nhập vào cơ thể, có thể ủ bệnh kéo dài trung bình từ 2- 21 ngày. Nguy hiểm của bệnh là khi khởi phát bệnh tiến triển rất nhanh, có thể tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện.

Thông tin trên trang VTV.VN cho biết, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai vừa cảnh báo một căn bệnh nguy hiểm, không có triệu chứng rõ ràng và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, nhưng có thể gây tử vong nhanh chóng, đang trở lại, đó là bệnh Whitmore. Từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca mắc bệnh này, trong đó 4 ca đã tử vong.

Vi khuẩn whitmore tấn công, ăn mòn cánh mũi của bệnh nhân.(Ảnh: Báo Dân trí).

Vi khuẩn whitmore tấn công, "ăn" mòn cánh mũi của bệnh nhân. (Ảnh: Báo Dân trí).

Whitmore do vi khuẩn Gram âm gây bệnh cảnh nhiễm trùng máu. Tỷ lệ tử vong của bệnh Whitmore có thể lên đến 50% - 60%. Bệnh thường xuất hiện từ tháng 6 - 11 hàng năm.

Bệnh Whitmore không có vaccine và phương pháp phòng bệnh đặc hiệu, trong khi bệnh lại dễ bị lây nhiễm khi tiếp xúc với các vi khuẩn mang bệnh qua đường hô hấp, ăn uống hoặc tiếp xúc qua da.

Liên quan đến loại vi khuẩn "ăn thịt người" này, báo điện tử Infonet cũng liệt kê những biểu hiện của nhiễm vi khuẩn Whitmore như:

- Sốt cao.

- Mắc bệnh viêm phổi.

- Xuất hiện ổ áp xe ở nhiều vị trí.

- Mắc bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu.

Vi khuẩn Whitmore thâm nhập vào cơ thể qua vùng da bị trầy xước tiếp xúc trực tiếp với nước hay đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải bụi đất, bùn, nước có chứa loại vi khuẩn này gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc toàn thân. Thể cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng vài ngày.

Khi vi khuẩn B.pseudomallei thâm nhập cơ thể người, chúng có thể gây bệnh ngay hoặc "nằm yên" đến vài chục năm, chờ khi thuận lợi vi khuẩn phát triển và gây bệnh, do đó bệnh thường gặp ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, bệnh nhân đái tháo đường, suy thận...

Vì vậy, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, những người làm việc tiếp xúc với môi trường đất, nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.

Việc tiếp xúc với đất hoặc nước bị ô nhiễm có thể khiến nguy cơ mắc vi khuẩn Whitmore tăng cao. Do đó, những nhóm người sau nhất định cần lưu ý để giúp giảm thiểu rủi ro phơi nhiễm:

- Những người có vết thương ngoài da và những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh phổi hoặc bệnh thận mãn tính có nguy cơ mắc bệnh melioidosis nên tránh tiếp xúc với đất và nước bẩn.

- Những người bắt buộc làm các việc tiếp xúc với đất nên mang ủng và găng tay bảo hộ để ngăn ngừa nhiễm trùng qua bàn chân và gót chân…

- Nhân viên y tế có thể sử dụng các biện pháp phòng ngừa tiếp xúc tiêu chuẩn (mặt nạ, găng tay và áo choàng) để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

GS.TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng cho biết thêm: Bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người.