Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Những sáng kiến hữu ích phòng chống dịch Covid -19 của giới trẻ

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân chống dịch của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các tầng lớp nhân dân đã có những hành động thiết thực như xây dựng cây ATM gạo, chế tạo máy rửa tay... Trong số đó có các học sinh sinh viên trên cả nước đã nỗ lực, sáng tạo những thiết bị phục vụ công tác chống dịch Covid-19.

Chế tạo máy rửa tay tự động

Sáng 20/4, đôi bạn trẻ Nguyễn Quang Huy và Nguyễn Đức Toàn (quê ở Thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, hiện đang là sinh viên đại học ở Hà Nội) mang chiếc máy rửa tay tự động do hai em tự chế tạo đến tặng trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là chiếc máy hai em chế tạo trong thời gian được nghỉ học về quê tại Thị trấn Phong Châu. Toàn bộ khâu lên ý tưởng và lắp đặt được thực hiện trong vòng 2 ngày.

Trước đó, chiếc máy rửa tay tự động đã được trao tặng một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị trấn Phong Châu và Trường THPT Phù Ninh - nơi hai em đã từng học tập.

Trao đổi với PV, em Nguyễn Quang Huy cho biết, sau khi chế tạo thành công máy rửa tay tự động, cả hai em đã tặng máy rửa tay cho trường em đang theo học và một số trường ở Hà Nội để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Khi học sinh, sinh viên tham gia chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Nguyễn Quang Huy và Nguyễn Đức Toàn tặng máy rửa tay tự động cho trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguyễn Quang Huy hiện là sinh viên khoa Quản Trị kinh doanh (Học viện Tài chính) còn em Nguyễn Đức Toàn là sinh viên khoa Quốc Tế (Đại học Quốc Gia Hà Nội).

Từ khi là học sinh THPT, Huy và Toàn đã có niềm đam mê đặc biệt với khoa học kỹ thuật và giành nhiều thời gian nghiên cứu thực hiện các dự án sáng chế. Tháng 4/2019, Toàn và Huy đã đạt giải Nhất cuộc thi KHKT tỉnh Phú Thọ và giải Khuyến khích cuộc thi KHKT cấp quốc gia với mô hình hệ thống tưới hoa lan tự động điều khiển bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Nói về nguyên lý hoạt động của máy rửa tay tự động, Nguyễn Quang Huy cho biết, chiếc máy hoạt động dựa trên nguyên lý dùng cảm biến chuyển động tích hợp biến trở, đấu với một máy bơm làm từ mô tơ loại nhỏ 12V; đầu bơm vào nối với bình đựng dung dịch còn đầu ra chính là vòi nối ra ngoài, khi đưa tay vào đầu vòi thì cảm biến nhận diện và gửi thông tin ngay lập tức cho bơm hoạt động, bơm một lượng vừa phải vào tay người sử dụng.

Chiếc máy là phương tiện hữu ích trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Chiếc máy là phương tiện hữu ích trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

"Với nguyên lý hoạt động như trên, người dùng chỉ cần đưa tay vào vòi là dung dịch rửa tay với lượng vừa đủ sẽ được phun ra. Thời gian thao tác chỉ từ 1-2 giây. Chi phí chế tạo một chiếc máy khoảng 900 nghìn đồng" - em Huy nói.

Đến cây "ATM Gạo"

Nhiều ngày nay, trên địa bàn thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai xuất hiện cây ATM gạo cho người nghèo, người lao động phải tạm nghỉ việc ở nhà do dịch Covid-19.

Đáng chú ý, cây ATM gạo do các học sinh trong Câu lạc bộ STEM trường THPT số 1 TP Lào Cai dưới sự cố vấn của em Vũ Hoàng Long sinh viên trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội chế tạo hồi giữa tháng 4/2020.

Hiện cây ATM gạo được lắp đặt tại số 250, đường Hoàng Liên, thành phố Lào Cai. Việc phát gạo miễn phí được nhà trường đồng hành cùng cha mẹ học sinh và các nhà hảo tâm bắt đầu tổ chức từ ngày 16/4/2020.

Em Lê Hoàng Quốc - Lớp 12D1 trưởng nhóm chế tạo cây ATM gạo cho biết, xuất phát từ việc nhiều người mất việc do dịch Covid-19, nhóm đã lên ý tưởng, chế tạo cây ATM gạo để phát miễn phí, hỗ trợ người nghèo vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Sau khi đề xuất ý tưởng và được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường, nhóm của Quốc đã bắt tay ngay vào việc chế tạo cây ATM gạo.

Các em học sinh trong Câu lạc bộ STEM trường THPT số 1 TP Lào Cai chế tạo cây ATM gạo.

Các em học sinh trong Câu lạc bộ STEM trường THPT số 1 TP Lào Cai chế tạo cây ATM gạo.

Theo yêu cầu của nhà trường, các em đã lập trình tính toán thời gian đóng mở van gạo tự động sao cho mỗi lần máy xuất ra được đúng 3kg gạo, đặc biệt là đảm bảo an toàn dịch tễ, hạn chế tiếp xúc đông người, tránh lây lan dịch bệnh.

Cây ATM được hình thành với động cơ servo Mg996r, điện áp hoạt động 4.8 -7.2v, lực kéo 10kg, Arduino nano; nút bấm lấy gạo tự động, còi báo hiệu 5v, đèn led báo hiệu 3.3v. Hệ thống đã được thử nghiệm nhiều lần trước đó và đã đưa vào phát gạo từ ngày 16/4/2020.

"Máy gồm bồn đựng gạo, gạo chạy theo đường ống xuống, giữa có một bộ điều khiển bằng van tự động và nút bấm mini. Mỗi lần nhấn nút, gạo sẽ nhả đúng số lượng 3kg/lần mà mình lập trình sẵn" - em Hoàng Quốc nói về nguyên lý hoạt động của chiếc máy.

Trao đổi với PV, cô Phạm Thị Tuyết Thanh - Hiệu trưởng nhà trường đã cho biết: "Với phương châm đẩy mạnh giáo dục toàn diện học sinh, nhà trường đã luôn quan tâm, động viên khích lệ việc học tập cũng như sự sáng tạo của học trò. Đặc biệt, mô hình Máy ATM gạo tự động để phát gạo miễn phí mà các em học sinh chế tạo là một việc làm rất ý nghĩa và thiết thực, rất cần thiết lúc này. Vì trong thời gian cách ly xã hội, ai cũng sẽ gặp phải khó khăn, với người nghèo, người vô gia cư thì sẽ khó khăn nhiều về lương thực. Họ sẽ rất khó xoay sở đủ cơm ngày 3 bữa trong đại dịch này. Chúng tôi rất cảm kích trước tâm huyết của học trò và sẽ luôn đồng hành cũng các em để thực hiện dự án này hết tháng 4, sau đó sẽ chuyển giao cho một đơn vị phù hợp hơn và chúng tôi ủng hộ thêm gạo".

Người dân đến nhận gạo miễn phí.

Người dân đến nhận gạo miễn phí.

Cần biểu dương các sáng kiến

Nói về những sáng kiến của các em học sinh sinh viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng, cần phải ghi nhận, biểu dương đồng thời hỗ trợ các em học sinh sinh viên để hoàn thiện các sáng kiến này.

Theo ông Thắng, học sinh sinh viên là lực lượng đông đảo trong xã hội với hơn 24 triệu em, các em được thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo. Không những vậy, trong quá trình học tập nhiều em đã thể hiện được khả năng nghiên cứu, sáng tạo, có những sáng kiến, chế tạo ra thiết bị phục vụ việc học tập. Đó là cơ sở để có những sáng kiến phục vụ cộng đồng khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng.

"Các em học sinh, sinh viên đã chế tạo các thiết bị hữu ích cùng cả nước tập trung cao điểm phòng chống dịch Covid-19 như vậy là rất đáng quý, đáng trân trọng và hoan nghênh. Đây là tấm lòng, trách nhiệm của các em trong việc chung tay phòng chống dịch Covid-19 và cũng thể hiện ham muốn tìm tòi, học hỏi, sáng tạo rất đáng ghi nhận" - ông Thắng nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, nhà trường, gia đình và xã hội cần động viên, khuyến khích các em tiếp tục học tập, sáng tạo, tìm tòi nghiên cứu để hoàn thiện các ý tưởng và nhân rộng các sáng kiến trong cộng đồng.

"Tôi mong muốn các cơ quan, tổ chức, cá nhân có điều kiện giúp đỡ các em học sinh, sinh viên để biến ý tưởng thành sản phẩm thực tế hữu ích, nhân rộng các mô hình này" – ông Phạm Tất Thắng nói thêm.