Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ninh Bình: Năm 2019 có trên 3 nghìn hộ thoát nghèo

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Ninh Bình cho biết, trong năm 2019, đã có trên 3 nghìn hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 3,63% năm 2018 xuống còn 2,57%.

Địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là huyện Kim Sơn, với 4,38%; tiếp theo là huyện Nho Quan với 3,55%; huyện Gia Viễn là 2,58%. Đơn vị có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất là thành phố Tam Điệp chiếm 0,84%. Năm 2019 giảm còn 1,99%, vượt kế hoạch đã đề ra 0,49%. Đây là kết quả của việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trong những năm qua.

Đặc biệt, cuộc rà soát hộ nghèo cũng đã phân tích hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ; phân tích hộ nghèo, hộ cận nghèo theo dân tộc thiểu số. Theo đó, trong tổng số 7.898 hộ nghèo, thì có 382 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 4,84% trong tổng số hộ nghèo; có 558 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,4% trong tổng số hộ cận nghèo.

Ninh Bình: Năm 2019 có trên 3 nghìn hộ thoát nghèo - Ảnh 1.

Hỗ trợ bò giống hộ nghèo.

Đáng chú ý, trong tổng số 7898 hộ nghèo thì có tới 7.718 hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập, còn lại là do thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng chí Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thông qua việc phân tích nguyên nhân nghèo, người nghèo sẽ được thụ hưởng các chính sách, sự hỗ trợ phù hợp. Ví dụ như, đối với nhóm nghèo cùng cực (vừa thiếu hụt thu nhập vừa thiếu hụt đa chiều) sẽ ưu tiên cả các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình và thành viên để cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản và nâng cao mức thu nhập.

Với nhóm hộ nghèo về thu nhập nhưng không thiếu hụt đa chiều, giải pháp tác động là hỗ trợ trực tiếp, tập trung tạo các điều kiện sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập thông qua các chính sách hỗ trợ… Đối với hộ không nghèo về thu nhập nhưng thiếu hụt đa chiều sẽ được hỗ trợ cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Với việc xác định rõ, cụ thể nguyên nhân đói nghèo thì việc đưa ra các phương án hỗ trợ sẽ đúng, trúng đối tượng, qua đó giúp người nghèo thực sự có thêm điều kiện để vươn lên.

Nhìn lại, những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là thu hút được sự hưởng ứng, chia sẻ và ủng hộ tích cực của cộng đồng trong và ngoài tỉnh.

Từ năm 2016 đến nay, đã miễn giảm học phí cho trên 32.500 lượt học sinh; cấp gần 700.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số và người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn... với tổng số tiền trên 9.500 tỷ đồng. Đến nay, đã có 830 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, với kinh phí 49.800 triệu đồng.

Bên cạnh đó, từ nguồn Quỹ đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội của tỉnh đã có gần 100 hộ nghèo được hỗ trợ xây mới nhà, với tổng số tiền trên 4 tỷ đồng. Để các hộ có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã triển khai cho vay 10 chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền trên 1.140 tỷ đồng, giúp 31.655 lượt hộ nghèo được vay vốn…