Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ninh Bình: Rà soát người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đúng người, đúng đối tượng

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, người lao động là một trong những đối tượng được hưởng gói trợ cấp an sinh xã hội trên 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ. Căn cứ vào hướng dẫn, quy định cụ thể của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định số 15) và hướng dẫn chi tiết của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương, thận trọng trong công tác rà soát, lập danh sách các đối tượng là người lao động thuộc diện được hưởng trợ cấp theo đúng quy định.

Bà Nguyễn Thị Hà ở xã Ninh Mỹ (huyện Hoa Lư - Ninh Bình) làm nghề buôn đồng nát ngót chục năm nay. Với chiếc xe đạp rong ruổi khắp nơi tìm thu mua phế liệu, trung bình mỗi ngày bà Hà thu nhập được trên, dưới 100 nghìn đồng. Đi làm đều đặn, chăm chỉ, khoản tiền gần 3 triệu đồng mỗi tháng giúp gia đình bà Hà cơ bản trang trải được cuộc sống cho hai vợ chồng.

Thế nhưng khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, cũng như nhiều lao động ở các lĩnh vực khác, bà Hà phải nghỉ làm. Hơn 2 tháng nghỉ làm vì dịch bệnh, bà Hà đành sử dụng tất cả số tiền ít ỏi đã chắt bóp lâu năm, cuộc sống rất khó khăn. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua thông báo của địa phương trên hệ thống phát thanh, bà Hà rất phấn khởi khi thấy mình là một trong các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ. "Nếu có đủ các điều kiện để nhận trợ cấp từ gói hỗ trợ an sinh xã hội thì tôi rất mong mỏi sẽ sớm nhận được khoản tiền hỗ trợ để trang trải cho cuộc sống trước mắt" - bà Hà chia sẻ.

Ninh Bình: Rà soát người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đúng người, đúng đối tượng - Ảnh 1.

Người lao động Ninh Bình được nhận hỗ trợ trong đại dịch COVID-19

Bà Hà chỉ là một trong số hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Với mục tiêu đưa nguồn tiền hỗ trợ đến đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương hoàn thành khâu rà soát, xác định đối tượng. Xã Lạc Vân (huyện Nho Quan) là một trong những địa phương hoàn thành sớm việc rà soát đối tượng. Theo kết quả rà soát, toàn xã có 26 đối tượng đủ điều kiện nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ, trong đó, có 15 lao động tự do và 11 lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp.

Bà Trần Thị Hòa, công chức lao động ở xã Lạc Vân cho biết: Khác với nhóm đối tượng đã được chi trả, người lao động là đối tượng cần thận trọng trong công tác rà soát, hưởng thụ. Thực tế trong đại dịch COVID-19, hầu hết người lao động đều bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, không phải lao động nào cũng thuộc diện được hỗ trợ. Chính vì vậy, việc nghiên cứu kỹ hướng dẫn rà soát, hiểu rõ, hiểu đúng các khái niệm về từng đối tượng thụ hưởng trong Quyết định số 15 sẽ giúp cho những người rà soát thực hiện nhiệm vụ thuận lợi và chính xác, không bỏ sót nhưng cũng không để ai trục lợi chính sách. 

"Theo khảo sát ban đầu, toàn xã có khoảng 60 lao động tự do gặp khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, khi đối chiếu với các tiêu chí cụ thể được quy định trong Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ thì toàn xã Lạc Vân chỉ có 26 người đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Sau khi hoàn thành công tác rà soát, danh sách những đối tượng được nhận hỗ trợ được niêm yết công khai và đọc trên đài truyền thanh của xã, sau đó danh sách sẽ được chốt và gửi về huyện để tổng hợp" - bà Hòa cho biết thêm. 

Đối với địa bàn huyện Yên Mô, hiện nay công tác rà soát nhóm đối tượng là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản hoàn tất. Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô Bùi Văn Vợi cho biết: "So với nhóm đối tượng đầu tiên đã được nhận hỗ trợ đợt 1, nhóm đối tượng còn lại gồm: người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên, lao động bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể… khó xác định hơn".

Đặc biệt, nhóm lao động tự do không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp lớn nhất và cũng là nhóm khó xác định nhất. Điều kiện để lao động tự do được nhận kinh phí hỗ trợ là những lao động bị mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo (1 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 1,3 triệu đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị).

Các đối tượng là người đang cư trú hợp pháp tại địa phương (có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú tại địa phương) và phải thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc đem lại thu nhập chính cho người lao động như: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác thải, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa… bị mất việc làm do tác động của dịch COVID-19. Những lao động này sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, trong thời gian 3 tháng từ 1/4 đến 1/6…

Cũng theo ông Vợi, mặc dù số đối tượng rà soát lớn, trong quá trình thực hiện vẫn còn một bộ phận người dân, đối tượng chưa hiểu rõ về chính sách, nhất là lao động tự do không thuộc danh mục nghề được hỗ trợ nhưng vẫn thắc mắc, kiến nghị, gây áp lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở trong việc rà soát, xác định đối tượng thụ hưởng…, song bám sát các quy định chi tiết trong Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ và những văn bản hướng dẫn cụ thể của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã khẩn trương triển khai rà soát, tổng hợp danh sách gửi về huyện.

Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình Lâm Xuân Phương cho biết: "Gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 42 của Chính phủ chưa từng có tiền lệ, thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Để người dân không phải chờ đợi lâu, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cùng các ngành liên quan, các địa phương, đơn vị đang gấp rút chạy đua với thời gian thực hiện rà soát, tổng hợp số liệu để nguồn tiền hỗ trợ sớm đến tay người thụ hưởng, tạo động lực giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống".

"Tuy nhiên, kinh nghiệm từ việc chi trả hỗ trợ đợt 1 cho thấy, việc xác định các nhóm đối tượng phải chính xác thì nguồn lực trợ giúp mới đến đúng người, đúng đối tượng. Do đó, việc rà soát các nhóm đối tượng được thụ hưởng trong đợt 2, nhất là với nhóm lao động tự do, dù diễn ra có thể chậm, nhưng cần đảm bảo chắc chắn, thận trọng và chính xác, đúng người, đúng đối tượng" – Giám đốc Lâm Xuân Phương nhấn mạnh.