Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nỗi lo "cây cao bóng cả" trong thành phố

(Dân sinh) - Chiều 24/9, giữa cơn mưa to như trút nước, một cây cổ thụ trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP.Hồ Chí Minh) bất ngờ bật gốc và đổ trúng một người đi xe máy trên đường. Người này bị thương nặng và sau đó đã tử vong tại bệnh viện.

Đây không phải là lần đầu tiên có người gặp nạn khi đang lưu thông trên đường phố bị cây rơi trúng hoặc ngã đè lên. Những con đường Sài Gòn luôn đông đúc, nhất là vào giờ cao điểm, người xe chật cứng như nêm. Đó lại cũng là giờ thường xảy ra mưa to gió lớn, nếu xảy ra chuyện cành cây gãy rơi xuống, hay tệ hơn là cây bật gốc đổ xuống, thì mọi người chẳng biết làm cách nào để thoát thân!

Nỗi lo "cây cao bóng cả" trong thành phố - Ảnh 1.

Sài Gòn có rất nhiều con đường đẹp đẽ, nên thơ. Mà một trong những yếu tố tạo nên "chất thơ" ấy chính là những hàng cây cổ thụ dáng thẳng cao vút, cành lá xanh tươi. Có không ít con đường vẫn còn lại những hàng cây được trồng từ thời Pháp thuộc, tuổi đời dễ đến hàng trăm năm. Với người Sài Gòn, đó là một di sản quý giá, gắn liền với những ký ức của họ từ thuở còn thơ bé cho đến lúc đã già cả.

Nhưng, nhiều khi chính những "hàng cây di sản" ấy lại gây nên tai họa. Mà vụ tai nạn thương tâm xảy ra chiều 24/9 vừa qua là một ví dụ điển hình.

Nói về nguyên nhân gây tai nạn, đại diện Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh cho rằng, cây cổ thụ ngã đổ gây chết người là một "sự cố đáng tiếc". Lãnh đạo Sở này cho biết, hệ thống cây xanh đường phố tại TP.Hồ Chí Minh quá lớn, trong đó có nhiều cây cổ thụ lâu năm, theo đúng lộ trình thì cần được thay mới để đảm bảo an toàn. Nhưng hiện nay khi phía thành phố cho đốn hạ một cây xanh dù sâu bệnh, cản trở giao thông hay cây đã đến tuổi đốn hạ để đảm bảo an toàn thì đều bị dư luận phản ứng rất nặng.

Vì lý do này mà chính cơ quan chức năng cũng phải "chùn tay"!

Nỗi lo "cây cao bóng cả" trong thành phố - Ảnh 2.

Thật ra, sự phản ứng của dư luận không hẳn là hoàn toàn vô lý. Mặc dù rất yêu quý vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng hẳn người dân cũng cần có sự an toàn. Và họ thừa hiểu những mối họa mà cây cối có thể gây ra trong mùa mưa bão. Nhưng tại sao họ lại phản ứng? Theo một số người dân đã có quá trình khá dài quan sát, theo dõi việc chăm sóc cây xanh trên nhiều tuyến đường, có một thực tế là việc thăm khám, chăm sóc cây theo định kỳ của các cơ quan có trách nhiệm thường diễn ra một cách qua loa, hời hợt. Trong khi đó, lại có tình trạng bỗng nhiên đốn hạ những cây còn đang sung sức, không có dấu hiệu bị bệnh tật. Lượng gỗ được khai thác từ những cây này là khá lớn, và không ai biết "đường đi" của số gỗ này sau khi được khai thác sẽ đi về đâu (!?).

Nếu như việc đốn hạ cây lâu năm, bị bệnh tật có nguy cơ ngã đổ diễn ra theo một quy trình minh bạch, thì hẳn đã không có sự phản ứng nói trên. Một ví dụ khác, đó là số phận của những cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng, sau khi bị di dời để làm cầu Thủ Thiêm 2, hiện giờ ra sao, người dân cũng không được biết.

Người dân có quyền hoài nghi về động cơ đốn hạ cây lớn, nếu cơ quan chức năng không chứng minh được việc làm của họ là cần thiết và minh bạch trước việc cây cổ thụ bị đốn hạ, trong khi mối nguy từ những "cây cao bóng cả" trên các đường phố đô thị vẫn tiếp tục tồn tại lâu dài…