Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Nông nghiệp 4.0: Nông sản an toàn, chất lượng, chìa khóa xuất khẩu vào EU

(Dân sinh) - Ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham) cho biết: “Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ là một trong những ngành được nhiều lợi ích nhất từ EVFTA, vì giảm thuế sẽ tăng nhu cầu và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU. Các doanh nghiệp châu Âu và các nhà sản xuất Việt Nam cần kết hợp với nhau, giúp nhau phát triển một ngành nông nghiệp hàng đầu thế giới tại Việt Nam với các sản phẩm an toàn, được chứng nhận và theo dõi, qua đó mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA”.

Để giúp các nông hộ và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm vào thị trường EU đã qua kiểm định chất lượng, an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc, một số doanh nghiệp đến từ EU như Bayer, ABB... tham dự diễn đàn nông nghiệp bền vững Việt Nam - EU đã chia sẻ, giới thiệu các giải pháp công nghệ, kỹ thuật số ứng dụng vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Kohei Sakata - Giám đốc chiến lược kỹ thuật số khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Tập đoàn Bayer cho biết: Hoạt động nông nghiệp ngày càng tăng, diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm, đòi hỏi đặt ra tính bền vững. Tại Việt Nam, phần lớn nông dân là các nông hộ sản xuất nhỏ, nhưng lại cung cấp đến 70% nguồn lương thực.

Nông nghiệp 4.0: nông sản an toàn, chất lượng, chìa khóa xuất khẩu vào EU - Ảnh 1.

Các giải pháp kỹ thuật số sẽ là cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy canh tác bền vững. Bayer có thể giúp các nông hộ nhỏ ở Việt Nam gia tăng sản xuất với nguồn tài nguyên ít hơn, nâng cao năng lực, tối ưu hóa canh tác, vượt qua thách thức biến đổi khí hậu và dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận.

Bà Brian Hull - Tổng Giám đốc ABB tại Việt Nam nhận xét: "Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, đồng thời đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, nông sản của Việt Nam vào EU vẫn chưa được như kỳ vọng, bởi vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt là về ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt như vệ sinh, chất lượng, sự đa dạng, cam kết về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững...

"Là một công ty công nghệ, ABB tập trung vào các giải pháp năng lượng, tự động hóa và kỹ thuật số giải quyết các vấn đề vận hành, giúp tối ưu hóa tiềm năng sản xuất và đối phó với những thách thức tương lai. Chúng tôi hướng tới một tương lai sản xuất thực phẩm nông nghiệp bền vững, sẵn sàng đồng hành cùng các nhà sản xuất thực phẩm Việt Nam để nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và sử dụng hiệu quả các thiết bị, máy móc trong dây truyền sản xuất, thông qua các giải pháp kỹ thuật số hàng đầu hiện nay" - bà Brian Hull cam kết.

Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: Khi EVFTA được thực thi, cơ hội rất lớn mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản vào thị trường EU, bởi hầu hết là thuế suất nhập khẩu vào EU bằng 0%.

Tuy nhiên, EU là một thị trường hàng đầu thế giới trong việc chống lại khai thác tài nguyên bất hợp pháp, khắt khe về truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng cao. Đây cũng là một thị trường có mức chi tiêu cao, song người tiêu dùng EU lại rất chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, uy tín thương hiệu của hàng hóa.

Do vậy, nông sản Việt Nam muốn có chỗ đứng tốt, sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn vừa nêu.

Đây là vấn đề lớn đặt ra cho các nhà sản xuất, xuất khẩu nông sản cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có giải pháp, bao gồm các giải pháp về công nghệ, các cơ chế chính sách phù hợp để đạt được.

Được biết, xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới; đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, là nguồn thu ngoại tệ quan trọng và xuất siêu cho cả nước; qua đó góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong hội nhập quốc tế thông qua hình ảnh một Việt Nam ổn định, an ninh lương thực và có trách nhiệm với thế giới...

Việt Nam hiện đang thực hiện 13 FTA, bao gồm hiệp định CPTPP và tiếp tục đàm phán các FTA mới, trong số đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa ký kết ngày 30/6/2019.

"EVFTA là một hiệp định thế hệ mới, có mức độ cam kết cao, tầm ảnh hưởng rộng, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới nhưng cũng không ít thách thức to lớn cho nền kinh tế cả nước nói chung và khu vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Cùng với cơ hội mà Hiệp định mang lại, chúng tôi cũng nhận thức được rằng để nông sản Việt Nam đi vào thị trường Châu Âu cần đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói, duy trì ổn định chất lượng cùng với đó là nâng cao năng lực cạnh tranh", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.