Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ô nhiễm không khí ám ảnh Đông Nam Á

Khi Piyavathara Natthadana ở Bangkok thấy nhiều bạn bè gặp bệnh về hô hấp, cô biết rằng không khí mình hít thở không an toàn.

"Nhiều bạn bè của tôi nói rằng họ bị chảy nước mũi dù chỉ đi từ nhà đến cơ quan", nhân viên văn phòng Natthadana nói ngày 1/10. "Tất cả đều ho. Tình hình không còn bình thường nữa".

Nỗi lo của Natthadana phản ánh vấn đề đang làm Đông Nam Á đau đầu: ô nhiễm không khí. Kuching, Kuala Lumpur (Malaysia), Hà Nội, Jakarta (Indonesia) và Singapore đứng đầu danh sách các thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới theo Air Visual, nền tảng đo lường Chỉ số chất lượng không khí (AQI).

Ô nhiễm không khí ám ảnh Đông Nam Á - Ảnh 1.

Palembang, Indonesia chìm trong lớp không khí ô nhiễm ngày 18/9. Ảnh: AFP.

Cháy rừng tại Indonesia từ hồi tháng 6 khiến nước này và các nước lân cận như Malaysia và Singapore chìm trong bụi mù. Cơ quan Giảm thiểu Thiên tai Indonesia cho biết hơn 3.600 đám cháy đã được phát hiện trên các đảo Sumatra và Borneo qua vệ tinh thời tiết, dẫn đến chất lượng không khí rất kém ở 6 tỉnh với tổng dân số hơn 23 triệu người, hàng chục trường học phải đóng cửa.

Simpang, ở đảo Sumatra của Indonesia, có AQI ở mức nguy hiểm là 372, với nồng độ bụi PM2.5 ở mức 322,6 µg/m3. Sri Aman, phần lãnh thổ của Malaysia trên đảo Borneo có AQI ở mức 367 và nồng độ bụi PM2.5 là 317,2 µg/m3. AQI càng cao thì mức độ ô nhiễm càng nặng. Mức AQI từ 151 trở lên được coi là không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, người già và người bệnh.

Bụi PM2.5 (bụi siêu mịn) là những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người), được hình thành từ các chất như carbon, nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. Bụi PM2.5 có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây nên tình trạng khó thở; đặc biệt nguy hiểm với những người mắc bệnh phổi, hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp.

Hơn 2.000 người được điều trị y tế ở Kalimantan, lãnh thổ của Indonesia ở đảo Borneo vì các vấn đề về hô hấp do hít phải khói. Truyền thông Indonesia tháng trước đưa tin hai người đã thiệt mạng, bao gồm một em bé, do hít khói bốc lên từ đám cháy ở Sumatra.

Bộ Giáo dục Malaysia tháng trước ra lệnh đóng cửa 138 trường học ở bang Selangor và 56 trường khác ở Port Dickson do chất lượng không khí. Malaysia phát mặt nạ chống độc N95 miễn phí và thúc đẩy chương trình giáo dục ý thức về sự cần thiết phải đeo mặt nạ phù hợp. Họ cũng giới hạn giá mặt nạ N95 ở mức 1,44 USD một chiếc.

Các nhà khoa học nói rằng tiếp xúc với khói từ các vụ cháy rừng có thể dẫn đến trung bình 36.000 ca tử vong sớm mỗi năm trên khắp Indonesia, Singapore và Malaysia trong vài thập kỷ tới nếu xu hướng tiếp tục.

Indonesia cố gắng xử lý cháy rừng bằng cách huy động hơn 9.000 lính cứu hỏa và tình nguyện viên để dập lửa. Luật bảo vệ môi trường của Indonesia quy định hình phạt tối đa 10 năm tù cho hành vi đốt rừng để giải phóng mặt bằng. Chính quyền Indonesia hồi giữa tháng trước bắt hơn 180 người và điều tra hơn 30 công ty vì nghi ngờ họ liên quan đến các vụ cháy.

Ô nhiễm không khí ám ảnh Đông Nam Á - Ảnh 2.

Người dân đeo khẩu trang khi đi đường tại Bangkok ngày 30/9. Ảnh: AFP.

Không chịu tác động trực tiếp của cháy rừng tại Indonesia nhưng Bangkok, Hà Nội và TP HCM cũng đang chứng kiến mức độ ô nhiễm không khí báo động, với nguyên nhân chủ yếu do khí thải từ ôtô, xe máy; xây dựng, phá dỡ công trình, khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận.

Trong công bố sáng 1/10 về hiện trạng không khí ở Hà Nội từ ngày 12 đến 29/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết chỉ số bụi PM2.5 liên tục cao hơn 50 µg/m3 - ngưỡng an toàn theo Quy chuẩn Việt Nam năm 2013. Bầu trời TP HCM trong tháng 9 cũng liên tục bị mù bao phủ. Bảng xếp hạng của AirVisual cho thấy có những ngày Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Ngoài hai nguyên nhân nói trên, Hà Nội còn chỉ ra các yếu tố gây ô nhiễm khác gồm: đun bếp than tổ ong, đốt củi; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân, đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh hô hấp nên hạn chế ra bên ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động ngoài trời. Trường hợp có nhu cầu cần ra ngoài, cần đeo khẩu trang, kính mắt.

Thái Lan thiết lập mức nồng độ bụi PM2.5 an toàn ở mức 50 µg/m3. Ngày 30/9, nồng độ PM2.5 ở Bangkok là 79 µg/m3. Lãnh đạo Cục Kiểm soát Ô nhiễm Thái Lan Pralong Damrongthai cảnh báo ô nhiễm có thể trầm trọng vào tháng 1 và tháng 2 năm sau vì nông dân đốt rơm. Ông cho biết bộ phận của mình và các đơn vị khác đang chuẩn bị các biện pháp nghiêm ngặt hơn để xử lý vấn đề.

Giống Jakarta của Indonesia, ô nhiễm không khí là một trong những yếu tố khiến Thái Lan cân nhắc dời đô. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nói tại một hội nghị ở Bangkok hôm 18/9 rằng cần tìm một thành phố không quá xa, cũng không quá đắt đỏ để di chuyển tới vì Bangkok bị bao vây bởi tình trạng quá tải, ô nhiễm, mực nước biển dâng cao và tắc nghẽn giao thông nặng nề.

Cuối tháng trước, ông Chan-o-cha yêu cầu những bên điều hành công trình xây dựng cùng các ngành công nghiệp ở Bangkok và các tỉnh lân cận giảm phát thải bụi. Ông khuyến nghị những người ở khu vực có nguy cơ ô nhiễm cao đeo khẩu trang khi ở ngoài trời.

Viện Hiệu ứng Y tế cùng Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe, hai tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ, cảnh báo về tác động của ô nhiễm không khí với thế hệ tương lai. Hồi tháng 4, họ ra báo cáo nói rằng trẻ em ở Đông Nam Á giảm tuổi thọ trung bình 30 tháng vì ô nhiễm không khí, so với mức 24 tháng ở châu Phi cận Sahara, 23 tháng ở Đông Á và chưa đến 5 tháng ở các quốc gia phát triển.

"Chúng tôi chẳng thể làm được gì nhiều. Chúng tôi phải theo dõi tin tức và bảo vệ chính mình", Chakrapong Sanguanjit, cư dân Bangkok đi bộ vào trung tâm thành phố khi đeo khẩu trang, nói.