Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ô nhiễm không khí - Đến hẹn lại lên: Con đường thoát bụi trần của chúng ta

Mấy ngày vừa qua, Tổng cục Môi trường lại tiếp tục ra khuyến cáo đề nghị người dân hạn chế ra ngoài trời, vì miền Bắc và cả một số tỉnh thành miền Nam lại tiếp tục chìm vào ô nhiễm trầm trọng.

Bầu trời Sài Gòn suốt nhiều ngày có sương mù quang hóa, không khí nặng, khó thở, nhiều người bị cay rát mắt và ngứa họng. Người có bệnh về đường hô hấp cảm thấy khó thở nặng.

Nhưng diễn biến thời tiết này xuất hiện vào thời điểm cuối năm se lạnh khiến không ít người nhầm tưởng đây là thời tiết mùa đông dễ chịu nên thích ra ngoài trời và không theo dõi các cảnh báo ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí Hà Nội - Đến hẹn lại lên

Đến hẹn lại lên, mùa đông bắt đầu ở Hà Nội bằng những đợt ô nhiễm bụi trong không khí kéo dài cả tuần. Ngày nào chỉ số AQI (chỉ số đo chất lượng không khí) cũng đỏ (ô nhiễm) và tím (rất ô nhiễm, có hại cho sức khỏe). Trùng đợt, không khí trong TP Hồ Chí Minh cũng ô nhiễm, tuy ở mức độ khá hơn so với Hà Nội, dù cho thành phố này vốn được coi là có bầu không khí trong sạch hơn Thủ đô.     

Nếu nhìn rộng ra cả châu Á thì không chỉ có Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh mà Bangkok ở Thái Lan, Thành Đô ở Trung Quốc, Ulaabatar ở Mông Cổ, Dehli ở Ấn Độ... đâu đâu cũng bao phủ một màn không khí đầy bụi mịn. Trên bản đồ, đó là những điểm màu đỏ hay tím. Cả khu vực châu Á chỉ lác đác có mấy điểm xanh là sát bờ biển hay các đảo quốc như Đài Loan, Nhật, hay Indonesia (may họ không cháy rừng vào đợt này).

Nhìn ra cả thế giới thì màu xanh (không khí sạch, tốt) bao trùm Australia, châu Âu, cả Bắc và Nam Mỹ. Châu Phi thì quá ít máy đo mà toàn ở Nam Phi nên khó mà biết ở đó xanh thật hay không. Tất cả đều mang tính thời điểm, nhưng nhìn chung, các nước giàu có ít ô nhiễm hơn nước nghèo, các thành phố gió to ít ô nhiễm hơn lặng gió.

Ngày lặng gió, nguồn chính gây ô nhiễm chính là… chúng ta

Nguyên nhân ô nhiễm bụi mịn cả thế giới nói chung giống nhau, bao gồm nguồn gây bụi và tác động thời tiết.

Nguồn gây bụi thứ nhất là hoạt động công nghiệp, có thể kể các ngành lớn như nhiệt điện, hóa dầu, luyện kim, đốt rác, xây dựng. Gần đây các cơ sở công nghiệp lớn đã tuân thủ tốt nên các cơ sở công nghiệp nhỏ nhưng có mật độ cao như làng nghề lại trở thành nổi bật trong gây ô nhiễm.

Nguồn lớn thứ hai là phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu. Ở một số đô thị đây là nguồn chính vào ngày lặng gió.

Nguồn thứ ba là dân sinh, từ sưởi mùa đông bằng các loại than, củi, phân gia súc, cho đến đun nấu, đốt rơm, bắn pháo hoa, hút thuốc. Ngoài ra còn nguồn tự nhiên như núi lửa, cháy rừng, muối biển, bụi cát sa mạc, phấn hoa, vi khuẩn...

Ngay cả cho một thành phố cũng không ai dám chắc là mỗi nguồn đóng góp bao nhiêu phần trăm cho bụi ở phố A hay B, vì tỉ lệ đó phụ thuộc rất lớn vào thời điểm. Kể cả hàm lượng trung bình năm cũng thay đổi theo năm. Ví dụ Hà Nội năm 1988 còn có nhà máy điện ngay trong thành phố, năm 2000 rất ít ô tô, xe máy, hoạt động xây dựng nhưng năm 2019 ô tô đã gây tắc đường ở cả vành đai 3. Với những thay đổi đó, đương nhiên đóng góp của các nguồn cho bụi mịn sẽ thay đổi theo năm tháng.

Trời âm u càng cần cảnh giác bụi mịn

Trong khoảng thời gian ngắn, tỉ lệ đóng góp bụi lại thay đổi theo từng giờ vì hướng gió và tốc độ gió thay đổi. Trong những ngày lặng gió, tỉ lệ đóng góp của nguồn bụi địa phương tăng lên do bụi mịn không thoát đi đâu được.

Yếu tố tác động gây tăng/giảm lượng bụi là các yếu tố thời tiết như gió, mưa, nhiệt độ, lượng mây che phủ. Các đồ thị của chỉ số AQI và các yếu tố thời tiết trong cùng một khoảng thời gian cho thấy sự phụ thuộc rõ rệt của chỉ số AQI vào tốc độ gió, nhiệt độ không khí và cả độ ẩm trong ngày. Tốc độ gió càng tăng thì mức độ ô nhiễm càng giảm. Dường như điều này đúng với mọi hướng gió. Có thể do gió đẩy không khí ô nhiễm đi và khuếch tán lên tầng trên của khí quyển, tức là hòa loãng hàm lượng bụi.

Với nhiệt độ, trong khoảng thời gian là một năm thì chỉ số AQI tăng vào mùa đông khi nhiệt độ thấp và giảm vào mùa hè khi nhiệt độ cao. Với thời gian là một chu kỳ gió mùa Đông Bắc thì chỉ số AQI giảm mạnh khi gió Đông Bắc về và thổi mạnh, nhiệt độ giảm nhưng lại tăng khi cuối chu kỳ gió mùa trời nắng ấm, nhiệt độ tăng. Nếu xem xét trong một ngày lặng gió, chỉ số AQI tăng mạnh về đêm, khi nhiệt độ giảm và giảm vào buổi trưa, khi nhiệt độ tăng.

Ô nhiễm không khí - Đến hẹn lại lên: Con đường thoát bụi trần của chúng ta - Ảnh 3.

Đồ thị biến thiên AQI và các yếu tố thời tiết theo trạm đo của trường UNIS ở Hà Nội.

Con đường thoát bụi trần của chúng ta

Đương nhiên là chúng ta không thể tác động vào thời tiết, dù đó là yếu tố có tác động mạnh nhất đến ô nhiễm không khí. Chúng ta chỉ có thể tác động vào nguồn phát thải.

Việt Nam đã làm được bước loại bỏ chì ra khỏi xăng, nâng chuẩn xả thải của ô tô từ Euro 2 lên Euro 4.

Về nguồn công nghiệp, từ chỗ không có quy chuẩn xả thải, chúng ta đã có chuẩn xả thải của nhà máy nhiệt điện với lộ trình rõ ràng là hết năm 2014 loại bỏ các nhà máy điện không có lọc bụi tĩnh điện và không có khử SO2 và NOx. Quy chuẩn QCVN 22-2009 bắt buộc các nhà máy xây sau 2015 phải theo chuẩn mới chặt chẽ hơn. Từ chỗ quan trắc một năm một lần nay tất cả các ống khói nhà máy lớn đều đã có quan trắc liên tục tự động 24/7.

Quy chuẩn của Việt Nam nằm trong nhóm các nước thu nhập trung bình, không thể đạt được như EU hay Trung Quốc là các nước có GDP/đầu người cao gấp nhiều lần Việt Nam. Khi các nhà máy đã tuân thủ và GDP trên đầu người đạt trung bình cao, Việt Nam sẽ nâng dần chuẩn lên. Thực tế, các nhà máy lớn mới đưa vào vận hành ba năm gần đây đều có phát thải thấp hơn chuẩn rất nhiều. Tuy nhiên, các nhà máy cũ chỉ vận hành mấp mé chuẩn. Mặt khác, hàng trăm ống khói nhỏ của các làng nghề không phải chịu quy chuẩn nào cả nhưng tổng số lại lớn hơn cả một nhà máy lớn. Tương tự, đốt rơm, đốt rác ở làng cũng không theo chuẩn nào cả vì quy mô nhỏ, nhưng số lượng lại rất lớn.

Ô nhiễm không khí - Đến hẹn lại lên: Con đường thoát bụi trần của chúng ta - Ảnh 4.

Chuyên gia môi trường Đào Nhật Đình

Quy chuẩn được đặt ra là để thực hiện chứ không phải thách đố doanh nghiệp. Với 1.000 GW điện than, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về công suất điện than và họ hiểu phải làm gì với số nhà máy đó. Nhưng họ có lộ trình. Chuẩn xả thải năm 2012 vẫn có hiệu lực mặc dù một loạt nhà máy nhiệt điện đã phát thải thấp hơn chuẩn nhiều. Các nhà máy điện than mới của Trung Quốc hướng tới chuẩn phát thải siêu thấp nhưng chưa bắt buộc mà chỉ là khuyến khích và hỗ trợ. Chuẩn phát thải siêu thấp đang đề xuất của Trung Quốc đã tương đương chuẩn của EU (tổng bụi 10mg/m3), đang được thực hiện ở miền Đông nhưng một số nhà máy cũ chạy than chất lượng thấp rất khó mà đạt được.

Trung Quốc đồng thời giảm bớt việc nhân dân dùng than để sưởi mà khuyến khích họ sưởi bằng gas và điện. Cùng với việc hạn chế tốc độ tăng của phương tiện giao thông dùng nhiên liệu để ép dân chúng dùng tàu điện ngầm, Bắc Kinh đã cải thiện được bầu không khí một cách đáng kể trong mấy năm qua.

Ô nhiễm không khí - Đến hẹn lại lên: Con đường thoát bụi trần của chúng ta - Ảnh 5.

Hình 3: Xe buýt chạy điện ở Bắc Kinh, nạp điện qua cần giống trolleybus nhưng có ắc quy

Quay trở lại việc tại sao các nước giàu thường có bầu không khí sạch sẽ ít ô nhiễm. Chẳng phải vì họ có chuẩn phát thải chặt chẽ hơn mà đơn giản là họ giàu hơn nên đủ nguồn lực áp dụng những tiêu chuẩn ngặt nghèo. Nước Pháp chẳng hạn, họ chủ yếu dùng điện hạt nhân nên ít nhà máy điện than. 

Xe ô tô châu Âu đã áp dụng chuẩn Euro 6, rất sạch. Một thành phố của Đức thậm chí còn cấm xe chạy diesel để bảo vệ không khí trong thành phố. Các nước giàu cũng có thể đẩy những ngành công nghiệp nặng sang nước khác. Việt Nam ở tư thế kẹt vì không còn nước nào nghèo hơn để mà đẩy công nghiệp nặng sang họ. Mà công nghiệp nặng của Việt Nam vẫn còn quá ít, muốn đẩy cũng chả có gì mà đẩy.

Vậy là để có bầu không khí sạch có hai cách. Một là tìm nơi có không khí sạch để sang đó hưởng. Đó là cách hưởng ngay và luôn. Hai là cùng nhau làm cho đất nước ta sạch hơn trên một lộ trình có thể kéo dài nhiều thập kỷ bằng các biện pháp như các nước giàu đã làm: giảm nguồn phát thải theo lộ trình phù hợp với tăng trưởng GDP, chuyển sang phương tiện giao thông ít phát thải hơn nhưng tốn kém hơn. Không tăng trưởng GDP hay tăng trưởng chậm thì mãi mãi sống trong ô nhiễm không khí, nước và đất.