Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ô nhiễm không khí: Đến ngưỡng rất nguy hại cho sức khỏe

Những ngày qua, chất lượng không khí ô nhiễm ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM... với chỉ số bụi mịn luôn ở mức cao, gấp 4 đến 5 lần quy chuẩn quốc gia đã ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người. Theo các chuyên gia y tế, đây là nguyên nhân của rất nhiều căn bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng…

Ô nhiễm bụi mịn nghiêm trọng, khẩu trang vô tác dụng

Hơn 10 ngày qua, ô nhiễm không khí là một trong những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trên mạng xã hội và nhiều tờ báo điện tử. sáng 26/9 , ứng dụng quan trắc không khí AirVisual (hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới) tiếp tục xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, vượt qua cả Jakarta của Indonensia với chỉ số chất lượng không khí AQI lên ngưỡng 204, trong khi TP.HCM xếp thứ ba với chỉ số AQI trung bình là 173.

Cùng với Hà Nội và TP.HCM, ô nhiễm không khí nghiêm trọng tiếp tục diễn ra vào buổi sáng và buổi tối tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, ô nhiễm nhất là Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định. Cá biệt có nơi như ở Vinh (Nghệ An) cũng có thời điểm chỉ số AQI lên ngưỡng trên 200.

Theo bảng xếp hạng AQI của Việt Nam, chỉ số AQI lên ngưỡng trên 200, chất lượng không khí thuộc ngưỡng xấu- rất có hại cho sức khỏe. Nhóm người nhạy cảm như bệnh nhân hô hấp, tim mạch nên tránh ra ngoài, những người khác nên hạn chế thời gian ở ngoài. Theo cảnh báo của Mỹ, chỉ số AQI lên trên 200 thuộc ngưỡng cực kỳ không tốt cho sức khỏe mọi người.

Ô nhiễm tại Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5- loại bụi được coi là sát thủ trong không khí. Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí. PM 2.5 có khả năng luồn lách vào các túi phổi và tĩnh mạch phổi, gây nên nhiều căn bệnh chết người như bệnh về hô hấp, ung thư, tim mạch. Cơ quan bảo vệ môi sinh Mỹ nhận định, bụi PM 2.5 chứa nhiều hạt kim loại có khả năng gây ung thư và đột biến gene. Trong khi đó, các khẩu trang thông thường không thể ngăn loại bụi này.

Theo báo cáo chất lượng không khí 2018 của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, năm 2018 ô nhiễm bụi mịn là vấn đề nổi cộm của Hà Nội. Nồng độ bụi PM2.5 ở Hà Nội ở mức trung bình 40,1 microgam/m3, vượt quy chuẩn Việt Nam là 25 microgam/m3. Tuy nhiên, ô nhiễm nghiêm trọng thường bắt đầu vào tháng 9 hàng năm, kéo dài đến khoảng tháng 3 năm sau do hiện tượng nghịch nhiệt thường xuyên xảy ra. Vào tháng 6 và tháng 9 hàng năm, ô nhiễm nghiêm trọng cũng xảy ra do tình trạng đốt rơm rạ.

Ô nhiễm không khí: Đến ngưỡng rất nguy  hại cho sức khỏe - Ảnh 1.

Ô nhiễm bụi mịn nên tất cả cá loại khẩu trang vải đều không có tác dụng

Gia tăng bệnh nhân viêm mũi, họng

Chất lượng không khí xuống thấp khiến bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang đến Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương đến khám rất đông.Thậm chí, bệnh viện phải kê thêm những dãy bàn ghế ngoài sân để bệnh nhân ngồi chờ hoặc viết phiếu thông tin. PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cho biết, hiện mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân, trong đó tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến yếu tố môi trường tăng khoảng 30%.

Ô nhiễm đang gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe, làm giảm sút hiệu quả công việc của mỗi người. Theo khảo sát của Sở Y tế Hà Nội, những năm gần đây có đến 72% hộ gia đình ở Hà Nội có người mắc bệnh do ô nhiễm không khí. Thông tin từ Bộ Y tế cũng khẳng định, các bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc, và một trong các nguyên nhân được xác định là do ô nhiễm không khí. Kết quả thống kê cứ 100.000 dân thì có đến 419 người mắc các bệnh về viêm phổi; 350 viêm họng và viêm amidan cấp; 273 viêm phế quản và viêm tiểu phế quản.

"Trong điều kiện thời tiết và ô nhiễm môi trường như thế hiện nay thì bệnh lý về xoang mũi càng nhiều. Đây là vấn đề nan giải cho chuyên ngành Tai mũi họng, kể cả nội khoa và ngoại khoa.  Thông thường viêm họng cấp sẽ khỏi trong vòng vài ngày nhưng cũng có thể diễn tiến phức tạp hơn, dẫn tới nhiều biến chứng như viêm tai, viêm mũi, viêm phế quản, nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm họng mạn tính. Bệnh nhân tăng lên. Chúng tôi cảnh báo người dân cần đeo khẩu trang chất lượng tốt và hàng ngày vệ sinh mũi họng bằng cách rửa mũi, súc họng bằng dung dịch nước muối sinh lý", PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh cho biết.

Theo các chuyên gia y tế, trong hệ hô hấp mũi là cơ quan đầu tiên tiếp xúc với môi trường ngoài nên dễ viêm nhiễm khi thay đổi về thời tiết hay ô nhiễm không khí. Đường hô hấp trên bị ảnh hưởng gây các triệu chứng nghẹt sổ mũi, viêm xoang nhức đầu và làm tăng tình trạng dị ứng.

Bệnh lý mũi xoang sẽ gây ảnh hưởng đến các bệnh lý liên quan ở vùng họng và tai. Ô nhiễm không khí sẽ gây viêm họng đau rát, xuất tiết ở họng và lan đến vùng thanh quản phía dưới. Viêm mũi xoang cũng làm tắc nghẽn vòi nhĩ, dẫn tới bệnh lý tai gia tăng. Trường hợp bệnh lý tai mũi họng ảnh hưởng nặng sẽ gây bệnh đến vùng phế quản phổi.

Bên cạnh đó, tiếp xúc với các hạt mịn có thể gây các ảnh hưởng sức khỏe ngắn hạn như mắt, mũi, họng và phổi. Tiếp xúc lâu dài gây gia tăng viêm phế quản mạn tính, giảm chức năng phổi, tăng tỷ lệ tử vong do ung thư phổi và bệnh tim, thúc đẩy bệnh xơ gan, làm tăng nguy cơ mắc bệnh chuyển hóa và rối loạn chức năng gan, bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến hệ thần kinh...

Bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa và giảm tác động của ô nhiễm không khí, cần chú ý ăn uống sạch, vệ sinh mũi hàng ngày làm giảm tác nhân gây bệnh và có hại từ không khí. Cần sử dụng các loại khẩu trang khi đi đường hoặc khi tiếp xúc với môi trường nhiều bụi bẩn, khói bụi.

Hạn chế lưu thông vào những lúc đường đông, tránh khu vực thường bị ô nhiễm như khu công nghiệp, đường cao tốc. Lựa chọn sống nơi thoáng nhất có thể, nhiều cây xanh càng tốt. Tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, cải thiện sức đề kháng. Hạn chế đeo kính áp tròng bởi các hạt bụi có thể kẹt giữa con ngươi và mắt kính, từ đó làm hỏng giác mạc. Nên rửa tay khi về nhà, uống đủ nước.

Trẻ em có sức đề kháng yếu, hệ tai mũi họng dễ mẫn cảm và dị ứng, nên cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước, tránh tiếp xúc môi trường bụi bẩn khói thuốc. Khi thời tiết thay đổi và ô nhiễm nên giữ ấm cho trẻ, tăng cường sức đề kháng, tạo thói quen vệ sinh mũi họng hàng ngày.