Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ở nơi ấm áp tình người

(Dân sinh) - Mỗi người một phận đời, một hoàn cảnh, không nơi nương tựa, nhưng ở mái nhà chung của Trung tâm dưỡng lão huyện Hiệp Đức (Quảng Nam), các cụ đã được sống những năm tháng tuổi già vui vẻ, ấm áp tình người.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, bà Lê Thị Hong (89 tuổi, xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) không còn nhớ được nhiều. Ký ức còn lại chỉ là nỗi nhớ về chồng và hai người con đã hy sinh trong cuộc chiến tranh năm nào. Thui thủi một mình trong căn nhà chỉ đủ che nắng, che mưa, hơn chục năm nay, bà Hong đã được Trung tâm dưỡng lão  huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam đưa về chăm sóc, phụng dưỡng.

Hơn chục năm gắn bó với Trung tâm, chị Nguyễn Thị Bốn đã chăm sóc biết bao phận đời bất hạnh.

Hơn chục năm gắn bó với công việc này, chị Nguyễn Thị Bốn đã chăm sóc biết bao phận đời bất hạnh.

"Sống ở đây vui vẻ, có người trò chuyện, chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ, bệnh tật cũng có người lo…" – bà Hong nói.

Cùng chung hoàn cảnh neo đơn, không người nương tựa, bà Nguyễn Thị Mót (xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) đã trải qua những năm tháng tột cùng của sự mất mát. Bà có chồng và 6 người con, thế nhưng, cuộc sống dường như không ngừng thử thách nghị lực của người phụ nữ, khi chồng và 6 người con của bà lần lượt ra đi.

Không còn người thân bên cạnh, cuộc sống trở nên tạm bợ, một mình bà buôn bán lặt vặt kiếm cái ăn qua ngày. Nhưng rồi tuổi càng cao, sức càng yếu, lại mang trong mình căn bệnh hen suyễn lâu ngày, bà không còn đủ sức lo cho bản thân.

"Hàng ngày ai cho gì ăn nấy, hàng xóm giúp được gì thì nhờ cái nấy, những khi bệnh tật hành hạ, tưởng không sống nổi" - bà Mót nhớ lại.

Thấy cảnh bà một mình, tuổi già lại thường xuyên đau ốm, được mọi người giới thiệu, Trung tâm dưỡng lão Hiệp Đức đã đưa bà về chăm sóc hơn một năm nay. Ở đây, ngày ngày bà vẫn phụ làm những công việc đơn giản như nhặt rau, quét nhà để giúp đỡ mọi người.

"Gia đình tôi khổ lắm, mất chồng mất con. Vào đây có người trò chuyện nên đỡ buồn. Các cô chú ở đây chăm sóc, sức khỏe cũng dần bình phục. Trước đây khổ lắm, một mình không có ai nấu cơm cho ăn, đau không ai lấy giùm miếng nước…" – bà Mót kể.

Mỗi căn phòng tại Trung tâm dưỡng lão Hiệp Đức là những phận đời, phận người trong những hoàn cảnh không ai giống ai. Có cụ không người thân, cụ thì chồng con đã mất, có cụ neo đơn tuổi già không ai chăm sóc, cụ thì mù, điếc, mất trí nhớ… tất cả đã đến và cùng nhau sống, cùng nhau chia sẻ những năm tháng tuổi già vui vẻ dưới mái nhà chung này.

Gần 11 năm gắn bó với Trung tâm dưỡng lão Hiệp Đức, chăm sóc biết bao phận đời bất hạnh, chị Nguyễn Thị Bốn (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) như càng thấu hiểu và sẻ chia với các cụ.

Lo từ miếng ăn, giấc ngủ, xuất phát từ tình yêu thương như con cháu các cụ, chị Bốn bảo, nếu không có tâm, kiên trì và không biết cách dỗ dành các cụ thì không làm được. Các cụ ở đây mỗi người một tính, nhiều cụ không còn minh mẫn, cụ thì nằm một chỗ… Mỗi ngày chị cùng các anh chị em tại Trung tâm phải thức dậy từ 3 - 4 giờ sáng để kịp lo bữa ăn, vệ sinh cho các cụ.

"Nhiều lúc có việc phải đi mà thương các cụ cũng không dám đi. Làm cho các cụ thì không biết ngày giờ, chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ. Khi các cụ ăn không được mình phải dỗ dành, các cụ đi vệ sinh tại chỗ mình cũng phải dọn dẹp. Công việc nhiều lúc mệt mỏi, nhưng thấy thương các cụ nên lại quên ngay" – chị Bốn chia sẻ.

Ở nơi ấm áp tình người - Ảnh 3.

Các bạn trẻ huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) thăm hỏi và tặng quà các cụ tại Trung tâm.

Ông Nguyễn Văn Dưỡng - Phó Giám đốc Trung tâm dưỡng lão Hiệp Đức cho biết: Trung tâm ra đời và đi vào hoạt động từ năm 2008. Đây là Trung tâm dưỡng lão do tư nhân lập ra duy nhất ở tỉnh Quảng Nam. Ở đây, các cụ được bao cấp miễn phí toàn bộ, từ bữa ăn đến vật dụng sinh hoạt. Khi các cụ mất được lo mai táng, có chỗ thờ tự riêng.

Cũng theo ông Dưỡng, Trung tâm do bà Trịnh Thị Lời (xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đứng ra thành lập và bỏ kinh phí lo cho các cụ hàng tháng, hiện cũng là Giám đốc Trung tâm.

Chi phí mỗi tháng lo cho các cụ khoảng 15 triệu đồng, ngoài tiền cá nhân bà Lời bỏ ra, bà Lời còn vận động trợ giúp của các bạn bè, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp thêm để cùng chăm sóc, giúp đỡ các cụ neo đơn, không nơi nương tựa.

Trong những gian phòng khang trang, Trung tâm dưỡng lão Hiệp Đức đã cưu mang biết bao phận đời bất hạnh. Ở dưới mái nhà chung này, 34 cụ già neo đơn ở các địa phương khác nhau đang được quây quần, sum vầy bên nhau, phần nào giúp các cụ vơi đi nỗi cô đơn, hiu quạnh lúc tuổi già.