Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ông Trần Quốc Vượng ký ban hành hướng dẫn Quy chế bầu cử trong Đảng

Thay mặt Ban Bí thư, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Hướng dẫn số 03-HD/TW hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng.

Ông Trần Quốc Vượng ký ban hành hướng dẫn Quy chế bầu cử trong Đảng - Ảnh 1.

Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng (ảnh Đ.D).

Một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng sau được Ban Bí thư hướng dẫn như: Về đối tượng và phạm vi điều chỉnh; về số lượng và danh sách đoàn chủ tịch (chủ tịch) đại hội, cơ quan tiếp nhận hồ sơ ứng cử, đề cử của đảng viên; về kiểm phiếu bằng máy tính; về thủ tục, hồ sơ ứng cử, đề cử; về trách nhiệm của người đề cử trong việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy tại đại hội…

Về số lượng và danh sách đoàn chủ tịch (chủ tịch) đại hội; cơ quan tiếp nhận hồ sơ ứng cử, đề cử của đảng viên, Hướng dẫn nêu rõ: Cấp uỷ triệu tập đại hội dự kiến số lượng và danh sách đoàn chủ tịch (chủ tịch) đại hội, trình đại hội biểu quyết thông qua…

Về kiểm phiếu bằng máy vi tính, Hướng dẫn nêu rõ: Nếu kiểm phiếu bằng máy vi tính, cấp uỷ hoặc ban thường vụ cấp uỷ cấp triệu tập đại hội phải lựa chọn nhân viên kỹ thuật bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, bảo đảm công tác bảo mật, giới thiệu cho đoàn chủ tịch đại hội xem xét, quyết định việc sử dụng.

Thống nhất sử dụng phần mềm kiểm phiếu do Quân uỷ Trung ương chỉ đạo sản xuất, bảo đảm tính bảo mật; Ban Tổ chức Trung ương chịu trách nhiệm quản lý, cung cấp.

Về trách nhiệm của người đề cử trong việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp uỷ tại đại hội: Tại đại hội, người đề cử nhân sự tham gia cấp uỷ phải chịu trách nhiệm trước đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp uỷ của người mà mình đề cử.

Sau đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tuỳ theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng.

Việc lấy phiếu xin ý kiến đối với những người ửng cử, được đề cử tại đại hội (hội nghị) được thực hiện như sau: Đoàn chủ tịch lập tổ giúp việc kiểm phiếu xin ý kiến là những thành viên của đoàn thư ký. Trường hợp cần thiết đoàn chủ tịch có thể lựa chọn một số đại biểu chính thức (trong đại hội đại biểu) hoặc một số đảng viên chính thức (trong đại hội đảng viên) không có tên trong danh sách ứng cử, được đề cử tham gia tổ giúp việc kiểm phiếu.

Phiếu xin ý kiến đại hội (hội nghị) thực hiện theo mẫu, đóng dấu của cấp uỷ triệu tập đại hội (hội nghị) ở góc trái phía trên của phiếu (đối với chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở hoặc đảng bộ bộ phận đóng dấu của đảng uỷ cơ sở). Phiếu in họ và tên những người ứng cử, được đề cử tại đại hội (hội nghị) xếp thứ tự tên người theo vần A, B, C,... nếu có nhiều người trùng tên thì xếp theo họ; nếu trùng cả họ thì xếp theo tên đệm; nếu cả 3 dữ kiện này đều trùng thì người có tuổi đảng cao hơn được xếp tên trên (nơi không có điều kiện in phiếu, tổ giúp việc có thể ghi danh sách trên phiếu).

Tiếp đến, đại biểu đại hội (hội nghị) lựa chọn, đánh dấu X vào ô đồng ý hoặc ô không đồng ý tương ứng với họ và tên người trong phiếu xin ý kiến.

Sau đó, tổ giúp việc kiểm phiếu hướng dẫn cách thức bỏ phiếu, kiểm tra, niêm phong thùng phiếu, phát phiếu, kiểm đếm và báo cáo đại hội (hội nghị) về số lượng phiếu phát ra và phiếu thu về; kiểm phiếu (tính kết quả phiếu xin ý kiến, phiếu hợp lệ, phiếu không hợp lệ được thực hiện tương tự như quy định về tính kết quả bầu cử), lập biên bản kiểm phiếu (có mẫu), báo cáo đoàn chủ tịch để đoàn chủ tịch trình đại hội (hội nghị) xem xét, quyết định…