Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng: Cần có sự lan tỏa mạnh mẽ

(Dân sinh) - Sáng 16/12, tại Hà Nội, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ hai.

Theo báo cáo của Bộ VH-TT&DL, văn hóa đọc ở Việt Nam có sự khởi sắc sau khi Đề án được phê duyệt. Năm 2019, hệ thống thư viện công cộng Việt Nam có tổng số 24.080 thư viện, tăng 14% so với năm 2018. Tổng số bản sách trong hệ thống thư viện công cộng là gần 44 triệu bản sách; tổng lượt bạn đọc đến thư viện có sự bứt phá với hơn 47 triệu lượt tăng 31% so với năm 2018. Đặc biệt, công tác phục vụ người khuyết tật và người khiếm thị trong việc đọc đã được tăng cường. Chỉ riêng trong 2 năm 2018 – 2019, TP Hồ Chí Minh đã phục vụ được hơn 15.000 lượt bạn đọc khiếm thị với 25.000 lượt tài liệu chuyên biệt. Bên cạnh đó, nhiều trại giam đã phối hợp với các thư viện cấp tỉnh thực hiện tốt việc phối hợp mang sách đến cho phạm nhân. Điều này đã góp phần giúp cho nhiều phạm nhân đã thay đổi nhận thức, quyết tâm cải tạo, tu dưỡng.

Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng:  Cần có sự lan tỏa mạnh mẽ  - Ảnh 1.

Cần lan tỏa mạnh mẽ văn hóa đọc trong cộng đồng- ảnh minh họa

Có thể nói, sau 2 năm thực hiện Đề án, văn hóa đọc và các hoạt động của thư viện đã có sự tăng trưởng đáng kể. Trung bình các chỉ số đều tăng từ 10% trở lên, trong đó chỉ số về lượt bạn đọc đến thư viện có sự gia tăng đáng kể. Công tác phục vụ bạn đọc được các thư viện chú trọng, xây dựng thói quen và trang bị kỹ năng đọc, phương pháp đọc, mở các lớp hướng dẫn phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đến sinh viên và học sinh. Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh, đổi mới nhằm thu hút người dân đến sử dụng nguồn tài liệu, sản phẩm và dịch vụ thư viện.

Khẳng định việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đã và đang có những chuyển biến tích cực trong, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là quan tâm đến việc đọc cho cả những đối tượng đặc biệt người khiếm thị, phạm nhân… Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, để Đề án phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, cần sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần để phát triển văn hóa đọc. Trong đó chú trọng đến đối tượng học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó sử dụng hiệu quả những thành tựu của khoa học công nghệ để phát triển văn hóa đọc lành mạnh, hạn chế những tiêu cực, mặt trái của Internet và mạng xã hội đến công chúng.

Định hướng thực hiện phát triển văn hóa đọc đến năm 2030, tại Hội nghị đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về tầm quan trọng của văn hóa đọc; Hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh xã hội hóa công tác thư viện; Đẩy mạnh xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình phối hợp công tác giữa Bộ VH-TT&DL với các Bộ ở Trung ương, giữa ngành văn hóa với các ngành ở địa phương nhằm tận dụng thế mạnh của các cấp, ngành trong phát triển văn hóa đọc; Tăng cường vai trò của công tác quản lý nhà nước trong việc phát triển văn hóa đọc của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh... Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy khẳng định, Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng được thực hiện đã góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa đọc, khơi dậy lòng yêu đọc sách, hình thành thói quen và kỹ năng đọc của người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên. Từ đó tôn vinh văn hóa đọc, tôn vinh tác giả, tác phẩm, góp phần xây dựng, hình thành thói quen đọc, tạo nền- tảng quan trọng cho việc học tập suốt đời của mọi người dân, hình thành xã hội học tập- một mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cũng tại Hội nghị, Bộ VH-TT&DL đã trao Giải thưởng nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho sự phát triển văn hóa đọc trong năm 2019. Theo đó, 17 tập thể, 7 cá nhân đã được Bộ trao Giải thưởng trong dịp này. Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã trao tặng quyển sách "Thời cuộc và Văn hóa" do ông làm tác giả cho 63 thư viện các tỉnh, thành phố và 37 thư viện các trường Đại học trên cả nước, nhằm cụ thể hóa việc lan tỏa văn hóa đọc lành mạnh trong cộng đồng.