Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phòng chống gian lận thương mại, lẩn tránh thuế: Không chậm trễ

(Dân sinh) - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 824 phê duyệt Đề án về phòng vệ thương mại, đặc biệt tập trung đấu tranh những hành động gian lận thương mại, trong đó gồm 5 nhóm nhiệm vụ chính được giao cho các cơ quan chức năng, và nhiều địa phương để đấu tranh có hiệu quả. “Có thể nói là chúng ta không chậm trễ và không gây ra những tổn hại ảnh hưởng đến quan hệ chính thức của chúng ta đối với các đối tác”.

Điện mặt trời: trong thời gian ngắn đã có sự phát triển bùng nổ

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trong phiên chất vấn của Quốc hội kéo dài từ ngày 6- 8/11. Có 77 đại biểu đã đăng ký chất vấn trong chiều 6/11.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ông vui mừng được tham dự phiên chất vấn, và đây là phiên thứ 3 Bộ trưởng Công Thương tham gia phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Điều đó cho thấy trọng trách của ngành trong xây dựng pháp luật, điều hành của Chính phủ để đảm bảo những yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo hướng bền vững, hội nhập sâu rộng với thế giới, Bộ trưởng Công Thương nói.

Phòng chống gian lận thương mại, lẩn tránh thuế: Không chậm trễ  - Ảnh 1.

Đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai)

Liên quan đến phát triển điện mặt trời quy hoạch 850 Mw cho năm 2020, và 1255w cho năm 2030 đã bị phá vỡ với công suất hiện tại lên tới 7234 vượt 9 lần so với quy hoạch ban đầu và sẽ còn tăng thêm 2186 Mw cho giai đoạn 2020- 2030, Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) nêu, hiện 121 dự án đã được cấp phép và còn 210 dự án đang chờ phê duyệt.

Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) hỏi về quy trình, thủ tục xây dựng, phê duyệt, bổ sung quy hoạch năng lượng sạch thời gian vừa qua đã đủ rõ ràng, minh bạch và thuận lợi cho các nhà đầu tư hay chưa? Và cần chính sách giải pháp gì mới, để đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận khi lập quy hoạch điện VII vào năm 2016 đã "không lường được hết sự phát triển của năng lượng tái tạo, trong đó chủ yếu là điện mặt trời".

Tuy nhiên, theo ông Trần Tuấn Anh, Quyết định 11 về cơ chế giá ưu đãi cho điện mặt trời là 9,35 cent một kWh trong 20 năm với dự án vận hành trước 30/6/2019 đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển năng lượng mặt trời ở Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại (đoàn Ninh Bình) chất vấn về ồ ạt cấp phép dự án điện mặt trời, khiến nhiều dự án khi vào vận hành bị giải toả công suất.

Giải trình việc này, ông Trần Tuấn Anh cho biết, khi xây dựng các cơ chế mong muốn phát triển điện mặt trời để tạo ra môi trường thí điểm, và sau này tổng kết phát triển điện sạch gồm cả điện gió.

"Đúng là quá trình thực hiện thì đã có sự chủ quan, đánh giá không hết nên trong thời gian ngắn đã có sự phát triển bùng nổ, gần 4.900 MW điện mặt trời vận hành tới cuối tháng 6/2019", Bộ trưởng Công thương nói.

Ông Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, có sự phát triển chưa đồng bộ giữa hạ tầng truyền tải điện, các trạm biến áp tại một số khu vực khiến các dự án điện mặt trời vận hành nhưng không thể giải toả hết công suất, ở mức 30-40%.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng, còn có sự lúng túng, bất cập trong phối hợp tổ chức, các cơ quan chức năng giữa Bộ Công Thương - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và địa phương trong thẩm định, phê duyệt các dự án điện mặt trời.

"Ở diễn đàn Quốc hội này, tôi xin nhận trách nhiệm trong chưa tổ chức thực hiện đầy đủ, bao quát và dự báo kịp thời để có biện pháp quyết liệt, nhất là trong phát triển hệ thống truyền tải điện tương xứng đảm bảo giải toả công suất", ông Tuấn Anh nói.

Tuy nhiên, ông cũng nêu khó khăn khi Nhà nước còn độc quyền trong truyền tải điện, trong khi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này chưa đảm bảo. "Từ cuối năm 2018 Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ cho phép bổ sung thêm 15 đường dây 110kV, 220 kV... nhưng cũng không triển khai kịp", ông nói. Tuy thế ông Tuấn Anh tin tưởng, năm 2020 sẽ có thêm nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng khi có thể giao tư nhân đầu tư đường dây 500 kV.

Phòng chống gian lận thương mại, lẩn tránh thuế: Không chậm trễ  - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) phát biểu

Phòng chống gian lận thương mại, lẩn tránh thuế: Không chậm trễ

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng xuất xứ Việt Nam đề xuất khẩu đi các nước khác, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, có dấu hiệu của việc chậm phát hiện.

"Chúng ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới thông qua hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có các ưu đãi về thuế quan trong việc xuất khẩu hàng hoá sang các nước đối tác, tạo lợi thế trong thâm nhập thị trường so với các quốc gia khác".

Liệt kê một số hiệp định mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia và các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, các hiệp định sẽ mang lại những cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cũng như năng lực cạnh tranh cho sản phẩm sang các nước này.

Tuy nhiên, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các sản phẩm và đội lốt xuất xứ hàng hoá của Việt Nam để tranh thủ các ưu đãi về thuế quan để xuất khẩu.

Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và tổ chức những đoàn đi kiểm tra trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp này và đã có những báo cáo cụ thể. Chính phủ cũng đã chỉ đạo cụ thể và giao cho Tổng cục Hải quan tiếp tục giám sát chặt chẽ không cho phép lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để thực hiện gian lận thương mại trong hoạt động thương mại quốc tế.

Theo Bộ trưởng Công Thương, các sản phẩm thiết bị điện tử, máy tính, dệt may, da giày, gỗ dán… có dấu hiệu để tranh thủ lợi dụng gian lận thương mại để lẩn tránh thuế phòng vệ và thuế phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, EU… đã bị phát hiện. Bộ Công Thương đã báo cáo với Chính phủ và phối hợp cùng các bộ, ngành quản lý và xử lý những vấn đề này đặc biệt là Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.

Ông Trần Tuấn Anh thông tin, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Quyết định 824 phê duyệt Đề án về phòng vệ thương mại, đặc biệt tập trung đấu tranh những hành động gian lận thương mại, trong đó gồm 5 nhóm nhiệm vụ chính được giao cho các cơ quan chức năng, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và nhiều địa phương để đấu tranh có hiệu quả.

"Có thể nói là chúng ta không chậm trễ và không gây ra những tổn hại ảnh hưởng đến quan hệ chính thức của chúng ta đối với các đối tác", ông Trần Tuấn Anh nói.


4 thuộc nhóm vấn đề mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ trả lời chất vấn gồm:

Công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo;

Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số;

Công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng;

Phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.

"Chia lửa" cùng Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh là Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ. Phó Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn và giải trình về các nhóm vấn đề lĩnh vực công thương vào lúc 10h20 sáng mai (7/11).

Phiên chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực công thương diễn ra từ chiều nay đến 10h45 sáng mai (5/11).