Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phong Điền (Thừa Thiên – Huế): Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân thoát nghèo

Nhằm giúp người dân thoát nghèo bền vững, chính quyền huyện Phong Điền (Thừa Thiên – Huế) đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ thiết thực.

Phong Điền (Thừa Thiên – Huế): Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân thoát nghèo - Ảnh 1.

Hỗ trợ người dân phát triển sinh kế để giúp họ thoát nghèo bền vững

Được biết, trong những năm qua, huyện Phong Điền đã có nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Vì vậy, trong năm 2019, huyện Phong Điền đã giảm được 220 hộ nghèo và 127 hộ cận nghèo. Năm 2020, đưa ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3,84%.

Bên cạnh đọ, địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân, như: hỗ trợ xây dựng nhà ở; cấp hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ bảo trợ xã hội; hỗ trợ chi phí học tập, học nghề, trợ cấp xã hội. Đặc biệt không chỉ khơi dòng để hộ nghèo - cận nghèo tiếp cận các tổ chức tín dụng để vay vốn với lãi suất ưu đãi, phát triển kinh tế hộ, xuất khẩu lao động, chính quyền địa phương và các ngành còn tham gia tư vấn, hỗ trợ thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan giúp hộ nghèo - cận nghèo lập và triển khai các dự án sử dụng vốn vay với lãi suất ưu đãi.

Phong Điền cũng sẽ tổ chức nhiều đợt giới thiệu, tập huấn để người dân nắm bắt thông tin về giống mới, biện pháp canh tác tiên tiến; hỗ trợ về khâu tiêu thụ sản phẩm. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể và người dân thực hiện kế hoạch giảm nghèo; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo bền vững.

Theo ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, các cơ quan, ban, ngành cần nghiêm túc triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tăng cường vai trò lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền, UBMTTQVN và các đoàn thể địa phương trong thực hiện công tác giảm nghèo.

Các địa phương phải tiến hành rà soát, cân đối các loại quỹ đất ở, đất sản xuất để bố trí cho những hộ nghèo có nhu cầu đất ở, đất sản xuất để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; lựa chọn, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp, hiệu quả, lợi thế của mỗi địa phương để nhân rộng, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Ngoài ra, cần huy động nguồn lực xã hội hưởng ứng "phong trào thi đua vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" để giúp các hộ nghèo thụ hưởng các chính sách giảm nghèo và có điều kiện tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản trong cuộc sống.