Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phú Yên: Hỗ trợ người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng

(Dân sinh) - Tỉnh Phú Yên đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 trên địa bàn đạt được một số kết quả nhất định ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, giao thông, phòng chống bạo lực, chống phân biệt đối xử, thực hiện trợ giúp pháp lý, hỗ trợ cho người khuyết tật trong cuộc sống để họ phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Để thực hiện tốt công tác trợ giúp người khuyết tật, tỉnh Phú Yên luôn chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, nhân dân thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị và các phương tiện thông tin đại chúng tỉnh. Nhờ vậy mà việc truyền thông, phổ biến về Đề án trợ giúp người khuyết tật đã tác động trực tiếp đến người dân, giúp cho cộng đồng hiểu rõ hơn về khuyết tật và cách chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật tại cộng đồng, qua đó giúp người dân tham gia tích cực trong công tác khám sàng lọc, tham dự các buổi truyền thông về sức khỏe cho người khuyết tật, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội, nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên và toàn xã hội về Đề án trợ giúp người khuyết tật và những điều cần thiết hỗ trợ người khuyết tật để họ khắc phục những khó khăn của bản thân, phấn đấu vươn lên hòa nhập cộng đồng. Thông qua đó cũng tạo sự đồng thuận trong gia đình, cộng đồng và xã hội thực hiện mục tiêu của Đề án.

Phú Yên: Hỗ trợ người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng - Ảnh 1.

Ông Võ Văn Binh- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Phú Yên trao quà cho trẻ em khuyết tật huyện Phú Hòa. Ảnh: KIM CHI

Về chương trình can thiệp sớm, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện tại 22 xã thuộc 2 huyện Đông Hòa và Sông Hinh. Tổng số trẻ được khám dưới 6 tuổi là 2.456 trẻ. Qua đó phát hiện 92 trường hợp khuyết tật, đã có kế hoạch can thiệp tại chỗ cho các trẻ mắc khuyết tật nhẹ và lên kế hoạch can thiệp cho các cháu mắc khuyết tật nặng như tư vấn chuyển sang giáo dục phục hồi, chuyển bệnh viện chuyên khoa sâu điều trị, một số đối tượng được mời về bệnh viện phục hồi theo kế hoạch đã xây dựng.

 Qua đó, cấp hỗ trợ một số dụng cụ chỉnh hình như nẹp chỉnh hình, dép nâng đế…Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; giúp đỡ người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau, hỗ trợ trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp cụng cụ trợ giúp phù hợp. Mở 10 lớp tập huấn cho người nhà khuyết tật với 450 người tham gia. Phục hồi chức năng khám, chẩn đoán, điều trị tại bệnh viện khoảng 1.200 lượt người khuyết tật. Kinh phí thực hiện trên 400 triệu đồng. Phối hợp với Trung tâm giám định y khoa khám, giám định y khoa cho 5.000 người khuyết tật, kinh phí thực hiện 2 tỷ đồng. Phối hợp với bệnh viện chỉnh hình Qui Nhơn đo, khám làm dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng cho 250 đối tượng làm chân tay giả miễn phí.

Hoạt động trợ giúp cho trẻ em khuyết tật tham gia giáo dục hàng năm đều được Sở Giáo dục và Đào hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, chỉ đạo việc quản lý, tổ chức dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng; điều chỉnh nội dung dạy học và đánh giá, xếp loại phù hợp đặc điểm tâm lí, sinh lí học sinh khuyết tật; tăng cường giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống; tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em khuyết tật. Số lượng trẻ khuyết tật được huy động đến trường và hỗ trợ giáo dục hàng năm đều tăng. Năm 2012 có 55,38%, thì đến năm 2018 có tới 75,25% trẻ em trẻ khuyết tật đến trường.

 Ngoài ra, ngành giáo dục còn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ cho học sinh khuyết tật các dụng cụ học tập, sách giáo khoa nhân ngày đầu năm học; hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh khuyết tật thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo…, từ đó góp phần quan trọng cho công tác chăm sóc, giáo dục các em, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em học tập và phát triển. Tỉnh cũng có nhiều chính sách quan tâm, tạo điều kiện cho người khuyết tật được hưởng các chế độ, chính sách, bảo trợ xã hội, khuyến khích người khuyết tật tham gia học nghề để tạo việc làm, giúp họ hòa nhập cuộc sống.

Đối với các hoạt động trợ giúp tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng, tham gia giao thông, hiện toàn tỉnh có 60% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật và 60% người khuyết tật có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương. 

Các đơn vị vận tải thực hiện các chính sách miễn, giảm giá vé cho người khuyết tật khi tham gia giao thông công cộng. Các hoạt động trợ giúp người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2012 – 2020 đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Lao động-Thương binh & Xã hội tổ chức Hội diễn nghệ thuật người khuyết tật, Hội thao người khuyết tật tỉnh Phú Yên đã tạo được sân chơi vui tươi, bổ ích, lành mạnh, tạo cho người khuyết tật có cơ hội thể hiện năng lực và niềm đam mê giúp người khuyết tật sống lạc quan, vượt qua mặc cảm, khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.