Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phú Yên: Tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 8.000 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp

(Dân sinh) - Trong 8 tháng đầu năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên đã tiếp nhận 4.031 người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó số người ở địa phương khác nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 1.813 người. Sở Lao động– Thương binh & Xã hội tỉnh đã ban hành 3.804 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, với số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động hơn 45 tỷ đồng.

Song song với công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên đã tích cực tư vấn, giới thiệu việc làm cho 7.835 lượt người, trong đó có 4.031 người được giới thiệu việc.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên, hiện trên địa bàn tỉnh có 2.203 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó có 47.557 người giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trên địa bàn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trong 8 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tiếp nhận 4.031 người lao động đến nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Việc hướng dẫn người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và chi trả trợ cấp thất nghiệp được Trung tâm thực hiện một cách đồng bộ và có sự phối hợp tốt với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh. Nhìn chung công tác giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đảm bảo kịp thời, đúng chế độ và không để xảy ra sai sót ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Phú Yên: Tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 8.000 lượt người  hưởng trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 1.

Hướng dẫn thủ tục hưởng Trợ cấp thất nghiện và tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm

Chúng tôi cũng đã trao đổi một số lao động đang làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên để tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp. Chị Phan Thị Mỹ Kim, ở thôn Phước Lâm, xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, chị có thời gian làm việc gần 14 năm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn May Hưng Thịnh Vina (Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh), với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng, nhưng vì con nhỏ, chồng chuyển công việc về quê ở xã Hòa Hiệp Bắc làm nên chị Kim cũng xin nghỉ việc về quê cùng chồng. Trong lúc chưa tìm được việc làm, chị được Trung tâm hướng dẫn làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và nay đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian từ ngày 12/9 đến ngày 11/6/2020 (9 tháng), với mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng hơn 3 triệu đồng.

Anh Lê Thiện Thuật, ở thôn Kinh Tế 2, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cùng vợ có việc làm ổn định ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn RK RESOURCES ở tại Bình Dương, nhưng vì con nhỏ và hai vợ chồng muốn về quê tìm việc làm để gần gia đình cha mẹ hai bên nên xin nghỉ việc. Anh Thuật cũng Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên hướng dẫn thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và được Giám đốc Sở Lao động-thương binh & xã hội ban hành quyết định hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp từ ngày 16/9 đến ngày 15/12/2019, với mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng gần 3 triệu đồng.

Ngoài trường hợp người lao động xin nghỉ việc do muốn di chuyển về quê làm việc gần nhà, cũng có trường hợp người lao động tại Phú Yên nghỉ việc do công việc không phù hợp, hoặc muốn làm việc ở nơi khác có mức lương cao hơn, điều kiện làm việc thích hợp với năng lực nghề nghiệp của mình. Anh Đỗ Nhật Bình, ở thôn Ngọc Phước 1, xã Ngọc Bình, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên làm việc ở Công ty May Phong Phú ở Tuy Hòa gần 2 năm, với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Nhưng theo anh, mức lương này so với mặt bằng thu nhập hiện nay là thấp, anh muốn nghỉ việc để tìm nơi có mức thu nhập cao hơn, chưa kể nơi làm việc gây cho anh ức chế vì mỗi lần gia đình có việc, anh xin nghỉ phép rât khó khăn.

Theo anh Đỗ Kim Hà, Phó Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là do tình hình chung về tinh giản biên chế của ngành giáo dục, dẫn đến nhiều giáo viên hợp đồng bị mất việc làm và tình trạng chung về tinh giản biên chế theo lộ trình của các cơ quan nhà nước. Thứ hai là người lao động muốn chuyển đổi nghề nghiệp, di chuyển gần nhà và một số lao động nghỉ hưu trước tuổi.

Đi đôi với công tác giải quyết trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm cũng đã áp dụng nhiều biện pháp thiết thực để đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp trong suốt quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp. Để hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm hiệu quả, Trung tâm thường xuyên chú trọng công tác thu thập thông tin thị trường lao động để tư vấn cho người thất nghiệp dễ dàng tiếp cận các thông tin về việc làm.

 Thông qua việc tư vấn trực tiếp hoặc gián tiếp, người lao động tiếp cận một cách tốt nhất các thông tin và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, từ đó có lựa chọn phù hợp để nhanh chóng trở lại thị trường lao động. Qua 8 tháng đầu năm 2019, đã có 7.835 lượt người mất việc làm, hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn việc làm, trong đó số người được giới thiệu việc làm là 4.031 người. Hỗ trợ học nghề cho 19 người. Công tác hỗ trợ học nghề tại Trung tâm luôn đảm bảo tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được tổ chức để hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật.

Nhiều lao động sau khi có quyết định trợ cấp thất nghiệp nhưng đã được Trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm đã tìm được việc làm và Trung tâm đã làm thủ tục dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Như chị Thiều Nguyễn Tường Vi, ở 335 Lê Duẩn, P.9, thành phố Tuy Hòa trước đây làm kế toán ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 01/7/2019, được hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng, từ ngày 13/8/2019 đến 12/02/2020, với mức trợ cấp thất nghiệp hơn 1,5 triệu đồng/tháng, nay chị đã được Trung tâm tư vấn và tìm được việc làm ở Trung tâm Kỹ Thuật Tài nguyên môi trường (Phú Yên). Hay như chị Nguyễn Thị Thu Thủy ở huyện Sơn Hòa, là giáo viên mầm non bị mất việc làm đang hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng, nay đã có việc làm lại nên chỉ hưởng 1 tháng trợ cấp thất nghiệp.

Phú Yên: Tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 8.000 lượt người  hưởng trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 3.

Tư vấn việc làm

Tuy nhiên, theo Sở Lao động-thương binh & xã hội tỉnh Phú Yên, ngoài kết quả đạt được nêu, việc giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp và tư vấn giải quyết việc làm, học nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh cũng còn một số mặt hạn chế. Đó là, người lao động đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp phần lớn là lao động phổ thông, trình độ còn thấp nên chưa thực sự nhận thức rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, còn hạn chế trong việc tiếp thu và tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Luật về bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình làm thủ tục và hưởng trợ cấp thất nghiệp. Một số đơn vị sử dụng lao động chưa thực hiện đúng quy định về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, do đó còn xảy ra tình trạng chậm đóng và nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến khó khăn trong việc chốt sổ bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp.Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, số người tìm được việc làm mới sau khi được giới thiệu không nhiều, nguyên nhân là do nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đa đạng, phong phú, yêu cầu tuyển dụng cao.

Vì vậy, theo Sở Lao động-thương binh & xã hội tỉnh Phú Yên, để thực hiện tốt hơn nữa chính sách trợ cấp thất nghiệp và tư vấn giải quyết việc làm, cho người lao động thất nghiệp trong thời gian tới cần phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định đến người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh. Tổ chức các hội nghị tập huấn cho cán bộ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cán bộ nhân sự tại các doanh nghiệp, phối hợp với báo, đài phát thanh truyền hình, tuyên truyền trên trang điện tử, phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền. 

Phối hợp tốt hơn nữa với Bảo hiểm xã hội tỉnh trong công tác giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Tiếp tục phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo cho người lao động ngay từ khi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, giúp cho người lao động có thêm cơ hội nâng cao kỹ năng nghề để tìm kiếm việc làm mới.

Đồng thời tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn hỗ trợ học nghề, khai thác, thu thập thông tin thị trường lao động, tìm kiếm các vị trí việc làm trống của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động và cố định để kết nối cung – cầu phục vụ cho đối tượng bảo hiểm thất nghiệp tìm kiếm việc làm sớm quay lại thị trường lao động. Đề xuất Cục Việc làm (Bộ Lao động-thương binh & xã hội) tiếp tục duy trì tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp để bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ về bảo hiểm thất nghiệp, về kỹ năng tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm thất nghiệp.