Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phường làm sai để 70 hộ dân “chịu trận”!

(Dân sinh) - Liên quan đến việc 70 hộ dân ở Khu dân cư Tân Thành Lập khiếu nại về việc tiền đóng góp của doanh nghiệp cho họ bị nhà nước thu giữ. Thanh tra Quận Tân Phú đã kết luận và kiến nghị xử lý sai phạm đối với lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường Tân Sơn Nhì.

Cụ thể, kết luận thanh tra nêu rõ: Trên cơ sở kết quả thanh tra về công tác quản lý nguồn kinh phí do chủ đầu tư thỏa thuận đóng góp kinh phí nâng cấp hẻm 74 Nguyễn Quí Anh chưa được Ủy ban nhân dân phường triển khai kịp thời đúng qui định. Quá trình điều hành, quản lý nguồn kinh phí do chủ đầu tư thỏa thuận đã có những sai phạm như sau.

Ngày 9/8/2016, Ủy ban nhân dân quận Tân Phú ban hành Quyết định số 2977 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sửa chữa, nâng cấp hẻm 74 Nguyễn Quí Anh, phường Tân Sơn Nhì với tổng mức kinh phí là 9.000.000.000 đồng (Chín tỷ đồng chẵn). Nguồn vốn do Ủy ban nhân dân Thành phố cấp cho Ủy ban nhân dân quận quản lý từ nguồn vượt thu tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, Ủy ban nhân dân phường Tân Sơn Nhì khi nhận được Quyết định số 2977 đã không thực hiện việc công khai, minh bạch quyết định và các nội dung kèm theo để người dân Tổ dân phố 46 kịp thời nắm bắt chủ trương, tổng vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn… theo qui định tại điều 14 Luật Đầu tư công năm 2014.

Ngày 16/9/2016, Tổ dân phố 46 tổ chức họp triển khai đấu nối hệ thống thoát nước của Khu dân cư và việc hỗ trợ kinh phí, đóng góp của chủ đầu tư vào hệ thống đường của khu phố, tham dự buổi họp có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường Tân Sơn Nhì là ông Đỗ Lê Duy - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

Tại cuộc họp này, biên bản ghi nhận: Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân phường có biết việc chủ đầu tư và các hộ dân trong Tổ dân phố 46 thỏa thuận đóng góp kinh phí làm đường và có ý kiến đồng thuận của người dân nên nhận từ chủ đầu tư. Sau cuộc họp này, Ủy ban nhân dân phường đã không có ý kiến hướng dẫn người dân, chủ dầu tư thực hiện theo qui định pháp luật, đồng thời cũng không báo cáo về Ủy ban nhân dân quận để điều chỉnh, bổ sung nguồn kinh phí đóng góp của người dân.

Thành phố Hồ Chí Minh: Phường làm sai sao lại để 70 hộ dân “chịu trận”! - Ảnh 2.

Kết luận của Thanh tra quận Tân Phú.

Ngày 28/10/2016, Ủy ban nhân dân quận Tân Phú có Quyết định số 4124 về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình sửa chữa, nâng cấp hẻm 74 Nguyễn Quí Anh, phường Tân Sơn Nhì. Đến ngày 6/12/2016, Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình ban hành công văn số 1569 niêm yết công khai công trình khởi công mới năm 2017 với yêu cầu: Đề nghị Ủy ban nhân dân phường sớm có văn bản báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân quận, Phòng Tài chính kế hoạch, Ban quản lý đầu tư xây dựng cơ bản về việc địa phương đóng góp kinh phí và vận động người dân hiến đất, đóng góp kinh phí (nếu có)…

Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, Ủy ban nhân dân phường Tân Sơn Nhì đã không báo cáo về Ủy ban nhân dân quận về các khoản đóng góp của người dân (nếu có). Và Ủy ban nhân dân phường đã không thực hiện đúng qui định tại Khoản 1, Khoản 2 phần 2 của Thông tư số 85. Ủy ban nhân dân phường thực hiện không đúng theo chủ trương của Ủy ban nhân dân Thành phố tại công văn số 2375 và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân quận Tân Phú tại công văn số 97 và công văn số 1232 của Phòng Tài chính - Kế hoạch.

Trách nhiệm này thuộc về bà Phạm Thị Thanh Hương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân Sơn Nhì, ông Đỗ Lê Duy - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường và ông Ngô Túc Duy Bằng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

Từ kết luận trên, Chánh Thanh tra quận Tân Phú kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận chỉ đạo: Giao phòng Nội vụ quận tổ chức kiểm điểm, xác định hình thức kỷ luật phù hợp với các cá nhân, tổ chức có liên quan với các sai phạm được nêu tại Mục III của kết luận.

Theo Luật sư Trần Văn Thành - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh: Căn cứ theo quy định tại Điều 254 Bộ Luật dân sự Quyền về lối đi qua:

1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, Việc thỏa thuận giữa ông Minh và 70 hộ dân là vụ việc chỉ mang tính dân sự. Do các bên thỏa thuận nhằm mục đích để 14 lô đất ông Minh đủ điều kiện kết nối với đường giao thông công cộng. Sau khi vụ việc xảy ra, Ủy ban nhân dân quận chưa tổ chức đối thoại với người dân nhằm tìm ra giải pháp thích hợp dẫn đến khiếu kiện kéo dài và để người dân đối đầu với chính quyền là điều hết sức đáng tiếc. Khu dân cư Tân Thành Lập mở đường trước đây là do các hộ dân tự đóng góp kinh phí làm đường và nếu không có sự thỏa thuận này thì 14 lô đất của ông Minh sẽ không được hình thành bởi không có lối đi kết nối với đường công cộng.

Ngày 16/10/2019, Phóng viên báo Dân sinh đã liên lạc với Ủy ban nhân dân quận Tân Phú về các câu hỏi đã đặt ra trước đó thì được trả lời là văn phòng Ủy ban nhân dân quận đã chuyển câu hỏi của cơ quan báo chí sang Thanh tra quận Tân Phú để tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tân Phú là người phát ngôn trả lời báo chí.