Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Bình: Chăm lo đời sống người có công là trách nhiệm, nghĩa tình

Với trách nhiệm, truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực, cố gắng trong việc thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), liệt sĩ và người có công (NCC) với nước.

Phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

Quảng Bình là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, qua 2 cuộc kháng chiến, đặc biệt là kháng chiến chống Mỹ, Quảng Bình không chỉ là hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho các chiến trường, mà còn là tiền tuyến trực tiếp chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. 

Được biết, trong những năm qua, với lòng biết ơn sâu sắc, ghi nhớ công lao to lớn của những người con ưu tú anh dũng hy sinh, hiến dâng một phần xương máu cho sự nghiệp vẻ vang của dân tộc, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội tại Quảng Bình, công tác chính sách liên quan người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đời sống vật chất và tinh thần của người có công ngày càng nâng cao. 

Quảng Bình: Chăm lo đời sống người có công là trách nhiệm, nghĩa tình - Ảnh 1.

Kiểm tra và chăm sóc sức khoẻ NCC là việc làm thường xuyên của TT điều dưỡng luân phiên NCC Quảng Bình

Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đối với người có công ngày càng hoàn thiện, đối tượng ưu đãi được mở rộng, đảm bảo công bằng, tạo sự đồng thuận trong xã hội; phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" cũng được toàn dân tham gia và phát triển sâu rộng, trở thành trách nhiệm của xã hội, nét đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam.

Phát huy truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", toàn tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, tích cực vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa bằng sự đóng góp tự nguyện với trách nhiệm, tình cảm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và ngoài nước để cùng Nhà nước chăm sóc người có công với cách mạng theo tinh thần Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ. 

Từ kết quả vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã góp phần hỗ trợ tu bổ nghĩa trang, đài tưởng niệm, xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ, xây dựng và sửa chữa nhà ở, thăm hỏi người có công với cách mạng hoặc thân nhân khi ốm đau, khám, chữa bệnh và khi qua đời mà gia đình gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Chăm sóc người có công với cách mạng là trách nhiệm, là tri ân

Trong những năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tri ân. Công tác này luôn được Quảng Bình quan tâm và trở thành phong trào trong các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân toàn tỉnh. 

Năm 2019, đã giải quyết trợ cấp hàng tháng cho 178 trường hợp, trợ cấp 1 lần 2.268 trường hợp; thực hiện ưu đãi giáo dục - đào tạo 25 trường hợp; cấp sổ dụng cụ chỉnh hình 03 trường hợp; tính đến nay, đã tổ chức được 33 đợt điều dưỡng với 2.930 người tham gia; giải quyết công tác liên quan đến mộ - nghĩa trang liệt sĩ cho 180 lượt trường hợp; giải quyết liên quan đến công tác quản lý hồ sơ cho 4.371 lượt trường hợp; gửi giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ 38 trường hợp, đề nghị Cục Người có công xem xét xác nhận thương binh, liệt sĩ cho 38 hồ sơ tồn đọng, tham mưu UBND tỉnh trình Chủ tịch nước và đã có Quyết định truy tặng 23 Bà mẹ Việt Nam anh hung… 

Tính đến nay, đã có 83 cơ quan, đơn vị ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh với tổng số tiền gần 1,193 tỷ đồng.

Ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nhân các ngày lễ, tết như: thăm và tặng quà cho đối tượng, tổ chức lễ viếng các nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân… 

Nhân dịp Tết Nguyên đán và Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), hướng dẫn thăm và tặng 53.679 suất quà của Chủ tịnh nước trị giá 10,887 tỷ đồng, 161 suất quà của tỉnh trị giá 209,3 triệu đồng, 28.943 suất quà của các địa phương trị giá gần 3,976 tỷ đồng, 155 suất quà của các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trị giá 266 triệu đồng. 

Tổ chức Đoàn người có công dự Hội nghị gặp mặt toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ Quốc; Đoàn thương binh nặng đi dự Hội nghị gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc; Đoàn thân nhân liệt sĩ dự lễ trao bằng Tổ quốc ghi công tại tỉnh Vĩnh Long. 

Triển khai Dự án xây dựng Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ tỉnh, Dự án số hóa hồ sơ người có công; kiểm tra việc tu sửa, nâng cấp mộ, nghĩa trang, các công trình ghi công tại các địa phương.

Giải quyết đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công theo quy định hiện hành của Nhà nước. Tiếp tục thực hiện điều dưỡng cho người có công với cách mạng và thân nhân theo kế hoạch năm 2020. Tổ chức tập huấn, kiểm tra hướng dẫn việc thực hiện chính sách người có công ở các địa phương. 

Phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan tổ chức tiếp nhận, an táng và lấy mẫu hài cốt gửi giám định AND; kiểm tra xây dựng, tu sữa nâng cấp mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ; kiểm tra xây dựng Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tỉnh, tổng hợp danh sách liệt sĩ phục vụ khắc bia ghi tên tại Đền thờ; tổ chức vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2020; tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7; hướng dẫn giải quyết những hồ sơ đang còn tồn đọng; trả lời đơn thư, tra cứu thông tin mộ, di chuyển hồ sơ… theo đúng quy định.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Từ nay đến cuối năm 2020, Quảng Bình giải quyết cơ bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng; phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công; 100% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% công trình liệt sĩ được xây dựng đảm bảo kiên cố, sạch sẽ, tôn nghiêm; vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 03 tỷ đồng". 

"Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong công tác thực hiện chính sách đối với người có công. Phát huy vai trò của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội; người đứng đầu cơ quan trong việc tham gia giám sát thực hiện chính sách người có công. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Giải quyết kịp thời các đơn thư của người dân. Đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, góp phần cải thiện đời sống cho người có công" - Giám đốc Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.

"Quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công; chỉ đạo các địa phương giải quyết kịp thời các hồ sơ theo đúng quy định, không để hồ sơ tồn đọng tại cơ quan quản lý các cấp. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, thanh tra thực hiện chính sách người có công nhằm phát hiện những sai sót và đề nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tập trung triển khai đúng tiến độ, đảm bảo các giải pháp kỹ thuật. Đề án số hóa hồ sơ người có công với cách mạng và xây dựng Đền thờ liệt sỹ của tỉnh Quảng Bình" -Giám đốc Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.