Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh: 80% lao động nông thôn phát huy hiệu quả sau học nghề

(Dân sinh) - Nhờ triển khai nghiêm túc Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn với những giải pháp chủ động và hiệu quả, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" (Đề án 1956), tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách, cách làm bài bản. Đến nay, đã có những bước tiến lớn trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh.

Được mệnh danh là vùng công nghiệp than khoáng sản, mỏ vàng đen lớn nhất của đất nước, gần đây lại phát triển mạnh về du lịch, Quảng Ninh không phải tỉnh trọng điểm phát triển nông nghiệp, tuy nhiên cư dân sinh sống ở các vùng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn khá lớn. Trước năm 2010, tỷ lệ lao động nông thôn của tỉnh được đào tạo nghề rất thấp, khả năng đáp ứng với yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, với các ngành nghề khu vực nông nghiệp, nông thôn hạn chế.

Xác định rõ những khó khăn, bất cập này, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 6/1/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-UBND về việc phê duyệt "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020" (ngày 21/12/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4069/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 24/QĐ-UBND ngày 6/1/2011).

Quảng Ninh: 80% lao động nông thôn phát huy hiệu quả sau học nghề - Ảnh 1.

Lớp dạy nghề nấu ăn

Với trọng tâm của Đề án là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề; tạo điều kiện cho lao động nông thôn được tham gia học nghề với sự hỗ trợ của Nhà nước. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng năng suất lao động và nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế để từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ, góp phần xây dựng nông thôn mới và phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Tính từ đầu năm 2010, tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các sở, ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương để quán triệt triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Các địa phương cũng đã quán triệt Quyết định số 1956/QĐ-TTg tới cán bộ chủ chốt cấp huyện và 100% cán bộ chủ chốt cấp xã. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 cấp huyện; 186 phường, xã, thị trấn đã thành lập tổ công tác triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg.

Quảng Ninh: 80% lao động nông thôn phát huy hiệu quả sau học nghề - Ảnh 2.

Lớp dạy nghề nấu ăn cho lao động nông thôn huyện Tiên Yên

UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg tỉnh, thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo. Hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể từng năm. Các địa phương căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh ban hành kế hoạch của địa phương, tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao.

Từ năm 2010 đến nay, Quảng Ninh đã ban hành hàng trăm văn bản chỉ đạo, điều hành về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó có 76 văn bản của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; 97 văn bản của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Bình quân hằng năm có khoảng 24 cơ sở tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 4/8 trường cao đẳng; 10/13 trung tâm GDNN - GDTX; 10 đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (dạy nghề).

Quảng Ninh: 80% lao động nông thôn phát huy hiệu quả sau học nghề - Ảnh 3.

Mở trang trại nuôi gà sau khi được học nghề.

Công tác điều phối, phối hợp và phân cấp trong quản lý, điều hành thực hiện Đề án được các cấp, các ngành thực hiện tốt. Tỉnh đã thực hiện phân cấp triệt để cho các địa phương trong công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm; tiến hành điều tra khảo sát nhu cầu học nghề và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chủ động trong công tác lập kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và chương trình xây dựng nông thôn mới tại mỗi địa phương.

Quảng Ninh: 80% lao động nông thôn phát huy hiệu quả sau học nghề - Ảnh 4.

Dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp ở huyện Ba Chẽ.

Với những cách làm cụ thể, bài bản từ tỉnh tới cơ sở, đến nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của tỉnh đã có những bước tiến lớn. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, sau 10 năm thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, có 30.865 lao động nông thôn của tỉnh được tuyển sinh và tổ chức đào tạo; 27.029 lao động được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp.

Riêng giai đoạn 2010-2018, có 22.638 lao động phát huy được hiệu quả sau đào tạo, chiếm 86,87% số lao động được hỗ trợ đào tạo (vượt 6,87% so với chỉ tiêu Đề án đặt ra đến năm 2020). Trong đó: 5.183 lao động được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động; 4.469 lao động được doanh nghiệp nhận ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; 833 lao động thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc tổ, nhóm sản xuất; 12.153 lao động tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập tăng lên. Đặc biệt, có 1.055 hộ có người tham gia học nghề thoát nghèo; 4.090 hộ có người tham gia học nghề trở thành hộ khá.

Quảng Ninh đặt mục tiêu đến hết năm 2020 hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 4.700 lao động nông thôn ở trình độ sơ cấp, phục vụ nhu cầu tuyển dụng lao động tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoặc tự tạo việc làm để phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời, đảm bảo từ 80% trở lên số lao động phát huy được hiệu quả sau đào tạo; có ít nhất 40% trở lên lao động nữ được hỗ trợ học nghề trong tổng số người được hỗ trợ học nghề. Các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, tỷ lệ khoảng 50% cho lao động ở các doanh nghiệp nông nghiệp, 20% cho thành viên hợp tác xã, lao động thực hiện các dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, 30% cho an sinh xã hội.