Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng, minh bạch trong chi trả trợ cấp ưu đãi người có công

(Dân sinh) - Trước yêu cầu về đổi mới công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, tạo sự minh bạch cũng như giảm tải áp lực cho cán bộ cấp xã, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua hệ thống Bưu điện trên địa bàn các huyện Đầm Hà, thị xã Quảng Yên, TP. Cẩm Phả từ 1/6/2019.

Tính đến nay, việc thí điểm được thực hiện vừa tròn 1 năm, Bưu điện Quảng Ninh đã thực hiện việc chi trả trợ cấp người có công với cách mạng tại 45 xã, phường, thị trấn cho 58.075 lượt người với tổng kinh phí 86.097 triệu đồng. Trong đó chi trả trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho 43.840 lượt người với kinh phí 79.231 triệu đồng; chi trả trợ cấp một lần cho 14.235 lượt người với tổng kinh phí 6.866 triệu đồng.

Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng, minh bạch trong công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công  - Ảnh 1.

Nhân viên Bưu điện đến chi trả tại nhà.

Qua khảo sát, tất cả các điểm chi trả đều đảm bảo thời gian đúng quy định; về tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên chi trả trên 95% người nhận đánh giá ở mức độ tốt và rất tốt, không có đánh giá mức độ không đạt yêu cầu; việc niêm yết công khai danh sách chi trả hàng tháng, cơ sở vật chất tại các điểm chi trả, việc tham gia hướng dẫn giải quyết vướng mắc của cán bộ xã phường... đều được đánh giá tốt. Có tới 98,7% số người được khảo sát đề xuất tiếp tục thực hiện chi trả qua hệ thống Bưu điện.

Trên cơ sở kết quả 1 năm thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện trên địa bàn thành phố Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên và huyện Đầm Hà, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với bưu điện tỉnh Quảng Ninh xây dựng đề án mở rộng thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện đối với 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bản tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ ngày 1/6/2020, đồng thời ban hành quy trình, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng, minh bạch trong công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công  - Ảnh 2.

Tâp huấn thực hiện chi trả trợ cấp người có công qua hệ thống Bưu điện.

Đánh giá kết quả 1 năm thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện cho thấy: Việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua mạng lưới bưu điện sẽ giúp giảm bớt các chi phí, mang lại hiệu quả về kinh tế. Tách bạch trong việc tổ chức chi trả với xét duyệt hồ sơ và giải quyết chế độ; từ đó tạo ra sự đối chiếu, kiểm soát chéo giữa 2 đơn vị độc lập, mang lại lợi ích cho người thụ hưởng và hạn chế thấp nhất việc nhầm lẫn gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Việc chi trả qua Bưu điện góp phần đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, đạt mục tiêu cải tiến phương thức chi trả cho người hưởng theo hướng đơn giản, thuận tiện; giảm được thời gian và áp lực quản lý công tác chi trả, cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có thêm thời gian để tập trung cho công tác chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng kịp thời việc nghiên cứu, hướng dẫn chính sách, đẩy nhanh tiến độ xác lập hồ sơ đối tượng ở cấp xã ; công tác kiểm tra, giám sát kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo tốt hơn thực hiện chính sách, đảm bảo an toàn nguồn tiền chi trả...

Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng, minh bạch trong công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công  - Ảnh 3.

Đối với người thụ hưởng, mô hình chi trả qua Bưu điện đảm bảo tính chuyên nghiệp, an toàn, hiệu quả, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, thuận lợi cho người thụ hưởng. Những trường hợp không đi lại được thì nhân viên Bưu điện đến chi trả tại nhà.

Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý chi trả: Các thông tin người thụ hưởng được tạo lập, quản lý trên hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, giúp dễ dàng quản lý được đối tượng và chế độ của người hưởng. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cũng giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Để việc mở rộng thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện đạt kết quả cao, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến người dân, cấp ủy chính quyền hiểu rõ mục đích và ý nghĩa thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện.

Việc chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống bưu điện phải đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện trong giai đoạn thí điểm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Tuy trong quá trình thực hiện còn có một số hạn chế, như người thụ hưởng chưa quen với hình thức chi trả mới; nhân viên bưu điện chưa nắm bắt được hết các chế độ chính sách nên việc giải đáp, hướng dẫn chưa đầy đủ... trong thời gian tới, những thiếu sót, vướng mắc sẽ được tháo gỡ, giải quyết để công tác phục vụ, chi trả ngày càng tốt hơn.