Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh: Trang bị kỹ năng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội

Vừa qua, tại Quảng Ninh, trong khuôn khổ Dự án "Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam" do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, để trang bị kiến thức, kỹ năng, thông tin, quy trình thực hiện dịch vụ Công tác xã hội, góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng làm việc với người bị bạo lực, Văn phòng Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức lớp "Tập huấn thí điểm kỹ năng cung cấp dịch vụ Công tác xã hội hỗ trợ cho người bị bạo lực giới".

Tham dự Tập huấn có ông Lê Khánh Lương, Vụ phó Vụ Bình đẳng giới - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bà Phạm Thị Hương Thủy, Đại diện UNFPA; bà Lê Thị Phương Thúy, Giảng viên về chuyên gia giới - Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển đang công tác tại Mô hình Nhà Bình Yên (Hà Nội) và các học viên là cán bộ, nhân viên các Trung tâm Công tác xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội, cộng tác viên Công tác xã hội, cộng tác viên bình đẳng giới tại cơ sở (thành viên tổ hòa giải, Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ về bình đẳng giới) của tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh: Trang bị kỹ năng cho người bị bạo lực giới - Ảnh 1.

Các học viên trình bày nội dung thảo luận nhóm.

Tại lớp tập huấn, các giảng viên tập trung truyền đạt kiến thức về chuyên đề "Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội hỗ trợ cho người bị bạo lực" với các nội dung cơ bản, gồm: Kiến thức chung về giới và bạo lực giới; Cơ sở pháp lý trong việc xây dựng tài liệu; Nội dung chi tiết của các dịch vụ Công tác xã hội hỗ trợ cho người bị bạo lực". Bên cạnh đó, các học viên được tập huấn về kỹ năng, kiến thức trong quá trình xây dựng, triển khai các hoạt động tại đơn vị nhằm bảo đảm cho người dân có thể tiếp cận các dịch vụ công tác xã hội có chất lượng, đặc biệt là các hành động vì sự an toàn và hòa nhập của phụ nữ và trẻ em gái trong thành phố/đô thị/ huyện/xã.

Trong 3 ngày tập huấn, các học viên có cơ hội nắm được kiến thức chung nhất về giới và giới tính, định kiến giới, các tiêu chí nhận biết bạo lực giới: nguồn gốc, hậu quả, đối tượng và phạm vi. Bên cạnh đó, giảng viên chuyên gia giới đã đưa ra trường hợp thực tế để học viên áp dụng ngay các kiến thức đã học vào giải quyết tình huống cụ thể, qua đó rèn luyện kỹ năng nhận biết, xử lý và can thiệp theo quy trình mà học viên được lĩnh hội từ lý thuyết đến vận dụng.

Cuối năm nay, Ban tổ chức tiếp tục tập huấn lần 2 "Tập huấn thí điểm kỹ năng cung cấp dịch vụ Công tác xã hội hỗ trợ cho người bị bạo lực giới" nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và thực hành cho các học viên tham gia toàn khóa tập huấn.

Quảng Ninh: Trang bị kỹ năng cho người bị bạo lực giới - Ảnh 2.

Các học viên của lớp tập huấn kỹ năng cung cấp dịch vụ Công tác xã hội hỗ trợ cho người bị bạo lực giới

Nhờ các hoạt động tăng cường trang bị kỹ năng cung cấp dịch vụ xã hội, việc thực hiện Đề án "Phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030" của UBND tỉnh Quảng Ninh cho thấy việc tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh đã góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực, bất bình đẳng giới ở địa phương.

Chỉ trong 3 năm, hơn 68.000 cán bộ, công chức được tuyên truyền về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; biên soạn, in ấn và cấp phát 16.500 cuốn sách bỏ túi về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; phát 80.000 tờ rơi tuyên truyền cho các cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn; xây dựng thí điểm và nhân rộng các mô hình về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới tại các địa phương, trong đó có 20 mô hình được triển khai tại 14 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh, thu hút 1.600 thành viên tham gia với 68 Câu lạc bộ hôn nhân gia đình và bình đẳng giới, 76 địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh, 28 số điện thoại đường dây nóng…

Mô hình Cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở giới đã tư vấn trực tiếp qua tổng đài cho 183 trường hợp, tư vấn, can thiệp và hỗ trợ cho 43 đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái bị lạm dụng, bị bạo hành về thể chất và tinh thần tại các gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh vận động và tài trợ cho 2 nạn nhân bạo lực gia đình đi học nghề miễn phí tại Hà Nội và Quảng Nam. Cũng trong 3 năm qua, toàn tỉnh đã xử lý 100% vụ việc bạo lực giới được phát hiện, tư vấn, can thiệp và trợ giúp 727 nạn nhân bị bạo lực giới, trong đó có 517 nạn nhân bạo lực gia đình, 112 nạn nhân bị buôn bán qua biên giới (trong đó có 5 nạn nhân người Quảng Ninh), 58 trẻ em bị xâm phạm tình dục, 30 trẻ em bị bạo lực.

Quảng Ninh đã và đang cố gắng thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình, đẩy mạnh thực hiện mô hình "Địa chỉ tin cậy", "Nhà tạm lánh", thông qua các hoạt động trợ giúp xã hội và công tác xã hội nhằm trợ giúp hiệu quả cho các nạn nhân.