Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Rút BHXH một lần là tự tước bỏ quyền hưởng lương hưu khi về già

Hiện nay, tình trạng nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đang có xu hướng gia tăng những năm gần đây số người nhận BHXH một lần bình quân một năm có khoảng trên dưới 700 ngàn người rời khỏi hệ thống BHXH, đồng nghĩa với việc khi về già họ sẽ không được nhận lương hưu khác nào tự tước bỏ đi quyền lợi chính đáng của mình để phải sống phụ thuộc, làm tăng thêm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Đáng tiếc là trong số 700 ngàn người thì nhiều người đã có trên 10 năm thậm chí có 20 năm đóng BHXH trở lên và không phải ai cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, không biết trông cậy vào đâu mới phải bất đắc dĩ nhận BHXH một lần. Mặc dù biết rằng nhận BHXH một lần sẽ rất thiệt thòi.

Rút BHXH một lần là tự tước bỏ quyền hưởng lương hưu khi về già - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Bài học xương máu…

Nhớ lại những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỷ 20 thực hiện Quyết định 176/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng những người lao động khi đó nhận một khoản tiền trợ cấp thôi việc để gửi tiết kiệm tính ra còn cao hơn tiền lương khi đi làm, nhiều người rất hồ hởi nhưng bài học để đời người gửi tiết kiệm từ những năm 1986, 1987, 1988 nếu rút ra vào các năm sau tương ứng thì cộng cả gốc và lãi cũng không có ý nghĩa gì về "hiệu quả" tiết kiệm, trong dân gian vào những năm đó ở Việt nam đã từng có câu: "Bán trâu tậu gà" – Nghĩa là ai đó bán 1 con trâu đi để gửi tiết kiệm vào Ngân hàng thì 1 năm sau rút ra cả gốc và lãi chỉ còn đủ để mua 1 con gà. Khi nhận ra vấn đề nhiều người tha thiết đề nghị được nộp lại khoản trợ cấp thôi việc kể cả tiền lãi để được tính thời gian công tác (trong số này rất nhiều người có từ trên 20 năm công tác đã chót nhận trợ cấp thôi việc) để được hưởng lương hưu nhưng vì không có chính sách hồi tố nên càng tiếc nuối. Cuối đời những người này phải sống phụ thuộc con cháu và xã hội với khoản trợ cấp người cao tuổi là niềm an ủi cuối cùng do Ngân sách Nhà nước chăm lo, nỗi trăn trở này sẽ theo hết cuộc đời bởi một quyết định thiếu cân nhắc.

Những ngày này cả nước đang tích cực "chống dịch như chống giặc" đại dịch Covid-19 đã làm cho nhiều người lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập đây là thời điểm người lao động nói riêng và người dân nói chung khó khăn, cùng cực nhất nên Đảng, Nhà nước đã quyết định chi "gói an sinh 62 nghìn tỷ đồng" để cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19, "không để ai bị bỏ lại phía sau" đây là một chính sách ưu việt mang bản chất tốt đẹp của chế độ ta cùng với truyền thống tương thân, tương ái lá lành đùm lá rách, nhiều tấm lòng nhân ái, nhiều hoạt động thiện nguyện, với sự giúp đỡ của cả cộng đồng nên nhiều người được chia sẻ đã vượt qua khó khăn, làm ấm lòng toàn dân, củng cố thêm niềm tin, tình đoàn kết, niềm tự hào của dân tộc ta với thế giới.

Thiệt thòi về kinh tế và đời sống tinh thần không thể đo đếm được

Đối với người lao động đang tham gia BHXH bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch covid-19 thì được quỹ BHTN kịp thời chi trả giúp người lao động bớt khó khăn trước mắt, nếu chưa đủ điều kiện hưởng BHTN thì được hỗ trợ từ "gói 62 nghìn tỷ đồng". Như vậy, về lý thuyết đối với nhóm đối tượng này có thể tạm thời yên tâm nhưng nghịch lý đang xuất hiện tình trạng lợi dụng đại dịch bọn "cò mồi tát nước theo mưa" với rất nhiều thủ đoạn tinh vi đã dụ dỗ người lao động bán sổ BHXH cho chúng để chúng trục lợi. Một số người lao động do không nắm được các quy định của chính sách đã đề nghị nhận BHXH một lần điều này sẽ rất thiệt thòi. Đây là vấn đề rất đáng báo động cho các nhà quản lý cần phải giúp người lao động hiểu rõ hơn sự thiệt thòi khi nhận BHXH một lần:

Một là, thiệt thòi về kinh tế cũng như đời sống tinh thần không thể đo đếm được

Theo quy định của Luật BHXH người lao động và người sử dụng lao động đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 22% tiền mức tiền lương tháng (tức hàng tháng đóng BHXH bằng 0,22 tháng lương). Như vậy, một năm 12 tháng sẽ đóng 0,22 x 12 tháng =2,64 tháng lương nhưng tính mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH cứ mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 được tính bằng 1,5 mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH; cứ mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi được tính bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Như vậy, người lao động sẽ bị thiệt thòi ít nhất là 0,64 đến 1,14 tháng lương tương ứng với mỗi năm đóng BHXH trước hoặc sau năm 2014.

Nếu so sánh nhận BHXH một lần với việc tích lũy đủ thời gian đóng để được hưởng lương hưu thì việc nhận BHXH một lần sẽ còn thiệt thòi hơn nhiều bởi: Người về hưu có chế độ tâm thế, đời sống vật chất, tinh thần sẽ khác sẽ yên tâm hơn người không có chế độ, hàng tháng có lương hưu sẽ bảo đảm đời sống không phụ thuộc gia đình, xã hội, lương hưu được điều chỉnh theo quy định của Chính Phủ. Ngoài ra còn được quỹ BHXH đóng BHYT được cấp thẻ BHYT được khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe. Khi mất đi thì gia đình còn được nhận tiền mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở và thân nhân còn được hưởng chế độ tử tuất. Nếu rút BHXH một lần thì coi như tự tước bỏ các quyền lợi nêu trên sẽ rất thiệt thòi mà không có cơ hội để làm lại.

Hai là, sự bảo hộ của Nhà nước để bảo toàn giá trị đồng tiền đóng BHXH đối với người tham gia BHXH

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 63; Khoản 2 Điều 79 Luật BHXH 2014 thì tiền lương, thu nhập đã đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng theo quy định của Chính Phủ. Như vậy, với quy định này tiền lương đã đóng BHXH bắt buộc và thu nhập đã đóng BHXH tự nguyện được bảo toàn giá trị đồng tiền không bị mất giá giống như khi gửi tiết kiệm như đã nêu trên hay là khi tham gia bảo hiểm thương mại không có quy định tiền đã đóng bảo hiểm thương mại được bảo toàn giá trị. Như vậy, tiền đóng BHXH đúng là của để giành, càng để càng có giá, không mất đi đâu cả, mang lại lợi ích chung và lợi ích riêng cho mỗi cá nhân vì quỹ BHXH có số dư để đầu tư tăng trưởng sau này để chi trả lương hưu. Nếu vì lý do khó khăn không thể tiếp tục đóng BHXH thì tạm dừng đóng, thời gian đã đóng BHXH sẽ được bảo lưu trong sổ BHXH để khi có điều kiện thì đóng tiếp BHXH thời gian đóng BHXH được cộng dồn khi đến tuổi hưởng lương hưu, nếu thời gian đóng BHXH chưa đủ thì có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH để nhận lương hưu (thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu sẽ giảm xuống còn đủ 15 năm hoặc đủ 10 năm). Hoặc nếu nhận BHXH một lần khi đó số tiền nhận được sẽ nhiều hơn so với thời điểm bắt đầu dừng đóng BHXH do tiền lương đóng được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng tại thời điểm hưởng.

Đây là một quy định đáng quan tâm nhất nhằm bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHXH theo cả hai hình thức bắt buộc và tự nguyện thể hiện sự bảo hộ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH, phản ánh đúng bản chất ưu việt của BHXH cũng như chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Cần bãi bỏ ngay hoặc sửa đổi cho phù hợp quy định cho phép người lao động ủy quyền cho người khác làm đơn đề nghị nhận BHXH một lần

Hơn bao giờ hết, người lao động nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi làm đơn đề nghị rút BHXH một lần, từ kinh nghiệm xương máu của những người nhận trợ cấp thôi việc theo QĐ 176/HĐBT. Nếu có khó khăn trước mắt nên tìm cách khắc phục không nên nhận BHXH một lần nếu còn có thể khắc phục được. Phải có niềm tin vững chắc vào sự phát triển bền vững của sự nghiệp an sinh xã hội nói chung và BHXH nói riêng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta. Những vấn đề bất cập của chính sách cũng như trong tổ chức thực hiện sẽ được khắc phục kịp thời. Trước mắt, cần nghiên cứu bãi bỏ ngay hoặc sửa đổi cho phù hợp quy định cho phép người lao động ủy quyền cho người khác làm đơn đề nghị nhận BHXH một lần quy định này đã tạo kẻ hở cho kẻ xấu lợi dụng mua bán sổ BHXH tước mất quyền lợi của người lao động để trục lợi.

Kiên quyết xử lý nghiêm khắc những kẻ lợi dụng chính sách để trục lợi trên lưng người lao động. Đối với các quy định chưa phù hợp như: thời gian đóng BHXH tối thiểu để được nhận lương hưu theo quy định hiện nay là đủ 20 năm đang quá dài so với nhiều nước trên thế giới làm cho người lao động không đủ kiên trì theo đuổi thì theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội chủ trương sẽ giảm xuống còn 15 năm hoặc 10 năm cho phù hợp.

Đối với trường hợp khó khăn đột xuất cần phải có ngay một khoản tiền để xử lý nhưng không biết trông cậy vào đâu ngoài cuốn sổ BHXH với một số năm đóng BHXH chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu thì có thể nghiên cứu để có quy định cho phép họ được tạm ứng (vay) từ quỹ BHXH để họ khắc phục khó khăn tạm thời mà không phải rút hết BHXH một lần, khi họ khắc phục xong khó khăn thì nộp lại khoản tiền tạm ứng và tiền lãi tương ứng với lãi suất đầu tư quỹ BHXH. Bên cạnh giải pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người lao động hiểu, xây dựng thành thói quen, văn hóa tự an sinh, tự lo cho bản thân mình trước cũng cần nghiên cứu để có quy định chặt chẽ hơn về điều kiện hưởng BHXH một lần, bởi suy cho cùng đến khi về già người lao động không có chế độ thì Nhà nước vẫn phải cưu mang; cùng với nhiều nội dung cải cách chính sách BHXH mà Nghị quyết đã đề cập sẽ được cụ thể hóa thành pháp luật trong thời gian tới nhằm mục tiêu hướng tới thực hiện BHXH toàn dân cũng như sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.