Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sáng nay (21/10): Khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV khai mạc sáng nay, 21/10 , dự kiến kéo dài tới 27/11. Phiên khai mạc sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam giúp cử tri và Nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi.

Theo dự kiến chương trình, sau phần phát biểu khai mạc Kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Tiếp đến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Sau đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Cuối buổi sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Sáng nay (21/10):  Khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV - Ảnh 2.

Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Trước đó, tại buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông tin: Kỳ họp này, Quốc hội dự kiến làm việc trong 28 ngày (không kể ngày nghỉ); dự kiến bế mạc vào ngày 27/11/2019.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 9 dự án luật khác như: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Chứng khoán (sửa đổi); Thư viện; Lực lượng dự bị động viên; Dân quân sự vệ (sửa đổi); Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Thanh niên (sửa đổi); Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Hoà giải, đối thoại tại Toà án; Đề án thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của Hà Nội...

Ngoài ra, Quốc hội xem xét báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1); chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pet, (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận); nghe Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019...

Quốc hội dành 3 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ. Hình thức chất vấn theo cách "hỏi nhanh, đáp gọn", hỏi một phút, trả lời 3 phút. Các phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Cuối kỳ họp, Quốc hội dự kiến dành thời gian cho công tác nhân sự.

Theo đó, sáng 25/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế.

Sau khi thảo luận ở các đoàn đại biểu Quốc hội, chiều cùng ngày Quốc hội nghe kết quả thảo luận và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Cũng diễn ra vào sáng 25/11 là quy trình miễn nhiệm Uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định. Nội dung này do UB Thường vụ Quốc hội trình. Việc miễn nhiệm chức danh cũng được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau đó, sáng 26/11, Quốc hội sẽ bầu Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Phần nội dung nhân sự này thì có quy trình bầu Chủ nhiệm mới của UB Pháp luật thay ông Định. Nghị quyết bầu Chủ nhiệm UB Pháp luật mới được thông qua chiều cùng ngày.

Giải thích việc dự kiến miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói, hiện Bộ trưởng Tiến đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định; ngoài ra ba tháng trước, Bộ Chính trị quyết định bổ nhiệm bà Tiến làm Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương thay ông Nguyễn Quốc Triệu. "Sau khi thôi làm Bộ trưởng Y tế, bà Tiến sẽ chỉ đảm nhiệm chức vụ này. Đây cũng là vị trí rất quan trọng", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.