Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Siêu sân bay Việt Nam, chọn "người trong nhà" hay thi tuyển người giỏi

(Dân sinh) - Nhiều cơ quan muốn chỉ định Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư dự án sân bay Long Thành. Nhưng phương án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cũng được nhắc đến trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

"Người trong nhà" thì an toàn

Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam là nhà đầu tư, khai thác Cảnh hàng không quốc tế Long Thành (gần 5 tỷ USD giai đoạn 1). Hội đồng thẩm định nhà nước cho rằng, phương án này “có thể xem xét chấp nhận được”. Tuy nhiên, việc giao ACV là nhà đầu tư, khai thác cảng cần được Quốc hội thông qua.

Chia sẻ với báo chí, nhiều nhà kinh tế có cách nhìn nhận khác nhau về nội dung này.

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cho rằng: Đấu thầu cạnh tranh công khai minh bạch, chọn được nhà đầu tư tốt, làm rẻ, chất lượng là phương án rất hay. Thế nhưng, nếu việc đấu thầu không chặt chẽ có thể sẽ gặp phải nhà đầu tư không như mong muốn.

“Một công trình quan trọng của quốc gia, đấu thầu mà chọn phải nhà đầu tư như nhà thầu đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông thì rách việc”, GS.TS Đặng Đình Đào chia sẻ.

Do đó, ông Đặng Đình Đào cho rằng, phương án tối ưu là chọn “người trong nhà” làm vì “an toàn là trên hết”. Ông cũng nói rằng, đây là vấn đề có nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. “Nhưng đối với công trình cực kỳ quan trọng cần trình 2 phương án. Vấn đề là ACV đủ khả năng làm không”, ông Đào nói.

Khi phân tích các phương án và hình thức đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng đề cập đến phương án đấu thầu.

Siêu sân bay Việt Nam, chọn 'người trong nhà' hay thi tuyển người giỏi   - Ảnh 2.

Siêu dự án sân bay Long Thành dự kiến năm 2025 hoàn thành.

Theo đó, việc lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo phương thức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Hình thức đầu tư được quy định tại Nghị định 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài góp không được quá 30% vốn điều lệ. Đây là theo quy định tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Phân tích ưu điểm của hình thức đầu tư này, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho rằng: Hình thức đầu tư này không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA, Nhà nước có nguồn thu từ việc khai thác tài sản khi được bàn giao sau khi nhà đầu tư, khai thác cảng hết thời hạn hợp đồng BOT.

“Việc thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khai thác cảng sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo cơ hội tham gia cho các doanh nghiệp có năng lực tham gia thực hiện dự án; qua đó giúp giảm chi phí đầu tư, đem lại lợi ích cho nhà nước và xã hội”, báo cáo đề cập.

Chọn nhà đầu tư khác, ACV “mất” 5.500 tỷ đồng/năm

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Đức Định, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm nghiên cứu kinh tế xã hội Việt Nam lập luận: Dự án lớn, quan trọng như vậy nên đấu thầu, nhưng phải có cơ chế để loại bỏ những nhà đầu tư kém chất lượng như nhà thầu của dự án kiểu như Cát Linh - Hà Đông.

Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng chỉ ra một loạt nhược điểm của việc đấu thầu. Trong đó, việc kiểm soát của Nhà nước, đảm bảo lợi ích cộng đồng được thực hiện thông qua hợp đồng BOT nên có những hạn chế nhất định.

Cụ thể, Nhà nước khó có thể điều hành, quyết định các nhiệm vụ quan trọng, thực hiện công cụ điều tiết vĩ mô phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đảm bảo lợi ích cộng đồng. Việc tác động của Nhà nước sẽ không kịp thời nếu phát sinh các trường hợp chưa có trong hợp đồng BOT. Ngoài ra, việc đảm bảo an ninh, an toàn tại Cảng hàng không cửa ngõ quốc gia cũng như việc phối hợp hoạt động dân dụng và quân sự tại Cảnh hàng không quốc tế Long Thành sẽ phức tạp nếu phát sinh các trường hợp chưa có trong hợp đồng BOT.

Báo cáo nghiên cứu cho rằng nếu chọn nhà đầu tư khác không phải là ACV, Nhà nước sẽ không có được lợi nhuận từ việc đầu tư, khai thác cảng.

Đáng chú ý, báo cáo cho rằng: Doanh thu của Nhà nước tại ACV bị giảm sút đáng kể do hành khách quốc tế tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được chuyển sang Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Số tiền ACV “mất” dự kiến khoảng 5.500 tỷ đồng/năm.

Báo cáo cũng thể hiện lo ngại việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khai thác cảng sẽ dẫn đến việc khởi công dự án chậm hơn phương án chỉ định ACV làm chủ đầu tư khoảng 18 tháng nên khó đảm bảo hoàn thành vào năm 2025.

Song, về tiến độ dự án, Ủy ban Kinh tế cũng tỏ ra hoài nghi việc ACV cam kết năm 2025 dự án hoàn thành khi được giao làm chủ đầu tư.

“Qua tham khảo việc xây dựng các cảng hàng không đã thực hiện thì tiến độ này rất khó khả thi. Cảng hàng không Vân Đồn với quy mô công suất giai đoạn 1 là 2,5 triệu khách (bằng 1/10 công suất giai đoạn 1 của sân bay Long Thành) được đánh giá là thi công nhanh nhưng cũng cần khoảng 3 năm để hoàn thành”, Ủy ban Kinh tế đánh giá.

Chuyên gia kinh tế TS Đinh Tuấn Minh nói thẳng: Dự án nào đưa ra đấu thầu thì cũng tốt hơn, tất nhiên nếu đấu thầu thực sự.

“Về mặt kinh tế, đấu thầu công khai, có tiêu chí tiêu chuẩn nhất định, đảm bảo chất lượng là tốt”, ông Đinh Tuấn Minh nói. “Nếu đấu thầu chắc chắn phải là đấu thầu quốc tế. Vì đơn vị có khả năng cung cấp dịch vụ đó không nhiều. Ở Việt Nam, duy nhất ACV đầu tư hạ tầng hàng không. Sungroup làm được sân bay Vân Đồn nhưng đó là sân bay nhỏ, khi làm sân bay lớn thì chưa biết thế nào”.

Thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý. Theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu, việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ .

Có ý kiến đề nghị, để đảm bảo vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia và hiệu quả đầu tư, Quốc hội có thể đồng ý giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao cho các DNNN, có đủ điều kiện để huy động vốn không cần có sự bảo lãnh của Chính phủ, không gây nợ xấu, có năng lực quản lý vận hành cảng hàng không là nhà đầu tư để trực tiếp đầu tư, quản lý, khai thác đồng bộ Cảnh hàng không quốc tế Long Thành.

Có ý kiến đề nghị trong trường hợp chỉ định nhà đầu tư thì Chính phủ cần đánh giá tác động tới các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế có liên quan.

Ngoài ra, cũng cần cân nhắc về khả năng huy động vốn của ACV vì phải đồng thời thực hiện đầu tư mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cũng như các cảng hàng không khác.