Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020

(Dân sinh) - Ngày 25/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan chủ trì xây dựng báo cáo đánh giá Nghị quyết số 15) tổ chức Hội thảo Sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 khu vực phía Bắc. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà dự và chủ trì Hội thảo.

Phát triển chính sách an sinh xã hội với cách tiếp cận dựa trên quyền con người

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ đã tạo nền tảng quan trọng về nhận thức và thực tiễn thực hiện các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và an sinh xã hội đối với toàn bộ các cấp chính quyền và người dân, góp phần cải cách chính sách xã hội phù hợp với yêu cầu phát triển xã hội của một nước có thu nhập trung bình. Những hạn chế còn chưa khắc phục được và những vấn đề mới phát sinh vẫn đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi phải tiếp tục triển khai thực hiện trong giai đoạn sắp tới.

Sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Hội thảo

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, trên cơ sở tổng hợp kết quả báo cáo của các bộ, ngành, địa phương; kết quả các buổi làm việc với một số cơ quan, địa phương và 2 hội thảo tham vấn tại hai miền Bắc và Nam, Ban Chỉ đạo sơ kết thực hiện Nghị quyết sẽ sớm hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ. Đây sẽ là một tài liệu quan trọng để góp phần xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, cũng như việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025.

Báo cáo và đánh giá kết quả về tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Khóa XI một số vấn đề chính sách xã hội gia đoạn 2012 - 2020 và một số định hướng cho giai đoạn 2021 - 2030, ông Đào Quang Vinh – Tổ phó Tổ biên tập báo cáo Sơ kết cho biết: "Về công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người có công được đảm bảo. Năm 2018, 99% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. 98,5% xã, phường trong toàn quốc được công nhận là xã, phường thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ.

Coi trọng và đẩy mạnh giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động, coi đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo an sinh xã hội. Duy trì tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có việc làm cao (trên 77%), tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp (chỉ dao động ở mức 2 - 2,2%).

Sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 - Ảnh 2.

Tổ phó Tổ biên tập Đào Quang Vinh trình bày báo cáo Sơ kết tại Hội thảo.

Đẩy mạnh phát triển bảo hiểm xã hội, mở rộng độ bao phủ hệ thống bảo hiểm xã hội đến mọi người lao động, theo cả 3 nhóm chính sách lớn là bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp. Với chủ trương bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, trong 8 năm qua đã thực hiện phát triển mạnh báo hiểm y tế. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế ước đạt 86,9% năm 2018.

Bên cạnh đó, nghị quyết rất chú trọng phát triển trợ giúp xã hội và giảm nghèo, coi đầu tư cho trợ giúp xã hội là đầu tư cho tăng trưởng bền vững và giải quyết vấn đề công bằng xã hội. Kết hợp hiệu quả vai trò của nhà nước với vai trò của xã hội và từng người dân. Công tác xóa đói, giảm nghèo đã được thực hiện đồng bộ trên cả 3 mặt: Giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng; hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách về bảo đảm đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, khuyến nông - lâm - ngư, phát triển ngành nghề; phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn nhằm giúp người nghèo, vùng nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,76% năm 2011 xuống còn dưới 5% năm 2015; từ 8,23% năm 2016 xuống còn 5,35% năm 2018, dự kiến giảm xuống 4,35% năm 2019 và đến cuối năm 2020 còn 3,35%.

Không những vậy nghị quyết Trung ương 5 chú trọng đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội có nhiều tiến bộ. Phòng, chống tệ nạn xã hội và kết quả thực hiện bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế có hiệu quả đã góp phần quan trọng vào kiểm soát và đảm bảo trật tự, kỷ cương và an toàn xã hội.

"Để đổi mới hệ thống an sinh xã hội đến 2030 cần phát triển chính sách an sinh xã hội với cách tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy con người làm trung tâm, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm an sinh toàn dân theo hướng linh hoạt, đa tầng, đa dạng, thích ứng với già hóa dân số và biến đổi khí hậu; cung cấp các dịch vụ xã hội toàn diện, có chất lượng cao, công bằng, bao trùm nhằm đảm bảo sức khỏe, giáo dục, thoát nghèo cho người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau" - ông Đào Quang Vinh nhấn mạnh.

Sơ kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 - Ảnh 3.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng bàn thảo các vấn đề chủ yếu trong tổ chức triển khai thực hiện các chính sách về ưu đãi người có công và đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết 15/NQ-TW. Các tham luận và ý kiến từ các đại biểu tham dự không chỉ nêu bật những thành tích và kết quả đã đạt được mà còn cho thấy những vẫn đề còn hạn chế, những tồn tại cần khắc phục trong giai đoạn 2021-2030.

Là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, đại diện tỉnh Hà Giang cho biết: Hà Giang luôn xác định chính sách an sinh xã hội là nhiệm vụ hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Từ năm 2012 đến nay Trung ương đã có nhiều chính sách áp dụng cho miền núi, vùng cao, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, các chính sách đã bao trùm trên nhiều ngành, lĩnh vực và các vấn đề của đời sống xã hội. Các chính sách đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân ngày càng được tiếp cận đầy đủ hơn các dịch vụ cơ bản xã hội.

Tuy nhiên, theo đại diện tỉnh Hà Giang, nhiều chính sách chồng chéo, chưa tích hợp. Trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn cho người dân từ nhiều nguồn, nhiều cấp hỗ trợ lại không đồng bộ dẫn đến có hộ, có nơi lại được thụ hưởng nhiều chính sách. Nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo dẫn đến tình trạng nhân dân trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo v.v...

Để thực hiện tốt các chương tình, chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới giai đoạn 2021-2030, tỉnh Hà Giang đề xuất: Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng nghèo, đặc biệt khó khăn; Tập trung ngân sách để thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ cho nhóm đối tượng yếu thế; Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách ASXH tại địa phương.

Hướng đến thực hiện quyền được an sinh xã hội

Kết luận Hội thảo, thay mặt Bộ LĐ-TBXH, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ phản ánh vào trong báo cáo cuối cùng để trình Ban Chỉ đạo trung ương.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đã định hình được hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam, xác định rõ vai trò và trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, các đối tác xã hội và người dân trong xây dựng và phát triển một hệ thống an sinh xã hội hiện đại, hiệu quả, hướng đến bao phủ toàn dân. Căn cứ trên tinh thần Nghị quyết, hệ thống chính sách được bổ sung, sửa đổi, hướng đến thực hiện quyền được an sinh xã hội. Nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, các đối tác xã hội và người dân ngày càng được nâng cao. Hệ thống an sinh xã hội đã hỗ trợ người dân hiệu quả hơn trong phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục các rủi ro trong cuộc sống.

"Tuy nhiên, khung khổ pháp lý về an sinh xã hội vẫn chưa hoàn thiện, chưa bắt kịp những xu hướng phát triển mới và yêu cầu của cuộc sống và chất lượng một số chính sách còn hạn chế nên không triển khai được trong thực tiễn. Đến nay, phạm vi bao phủ của an sinh xã hội còn hẹp, tốc độ mở rộng phạm vi bao phủ bảo hiểm xã hội đang chậm lại; quy mô và chất lượng cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản còn thấp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số; bất bình đẳng tiếp tục gia tăng giữa các nhóm dân cư, vùng miền. Tài chính cho an sinh xã hội còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu; hệ thống quản lý còn thủ công, lạc hậu, phân tán, chưa khai thác và tận dụng hết thế mạnh của công nghệ số" – Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà thông tin

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng những thành tựu đã đạt được về chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo, thực hiện TGXH, nâng tỷ lệ người lao động tham gia BHXH và BHTN, thực hiện phổ cập giáo dục, BHYT toàn dân, tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản khác… cần được tiếp tục duy trì bền vững, nâng cao hơn một bước về chất lượng của các chỉ tiêu. Đồng thời những tồn tại và hạn chế trong giai đoạn vừa qua cần tiếp tục được tập trung để khắc phục trong giai đoạn tiếp theo như giải quyết các trường hợp tồn đọng chính sách cho đối tượng người có công, tăng độ bao phủ của TGXH, BHXH và BHTN, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và tạo việc làm bền vững, có chất lượng; tiếp tục cải thiện chất lượng các dịch vụ xã hội cơ bản.