Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sở LĐ-TB&XH TP. HCM: Thông tin về những sai phạm tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè

(Dân sinh) - Ngày 14/5, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh đã thông tin với Báo Lao động và Xã hội (Báo điện tử Dân sinh) về những sai phạm tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè.

Trước đó, Báo Lao động và Xã hội (điện tử Dân Sinh) đưa tin, ngày 11/5, Thanh tra TP. HCM đã có thông báo kết luận thanh tra về các nội dung tố cáo liên quan đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh và một số đơn vị trực thuộc Sở.

Theo đó, Thanh tra TP. HCM đã chỉ ra một số sai phạm như một số khoản chi từ nguồn thu từ thiện không đúng mục đích, không đúng đối tượng là hơn 751 triệu đồng (trong đó của Trung tâm Thị Nghè 441 triệu đồng, Trung tâm Tam Bình 310 triệu đồng).

Số tiền này đã chia cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm Thị Nghè là hơn 760 triệu đồng (năm 2018 gần 720 triệu đồng và 4 tháng đầu năm 2019 là 41 triệu đồng).

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM thông tin về những sai phạm tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè - Ảnh 1.

Trung tâm Bảo trợ Trẻ tàn tật mò côi Thị Nghè.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Minh Tấn cho biết, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè hiện đang nuôi dưỡng gần 300 trẻ em là mồ côi, lang thang, cơ nhỡ, những người già khuyết tật, tâm thần, bại não, thiểu năng trí tuệ…

Vì vậy hằng năm, hàng tháng, các nhà mạnh thường quân, nhà hảo tâm thường đến trung tâm giúp đỡ, tài trợ các như yếu phẩm như: Gạo, mì gói, dầu ăn, muối và nhiều loại nhu yếu phẩm khác, ít khi trao tiền mặt trực tiếp. Tiền mặt chỉ có các tổ chức quốc tế phi Chính phủ nhưng số tiền đấy đều phải thông qua sự chấp thuận của UBND thành phố mới được nhận.

Trong kết luận thanh tra thành phố vừa rồi có nói Trung tâm quy các nhu yếu phẩm trên ra thành tiền (cụ thể là 760 triệu đồng) rồi chia cho cán bộ, nhân viên, điều này là không đúng.

Vì đó là các nhu yếu phẩm, hiện vật do các nhà hảo tâm ủng hộ, do các đối tượng ăn không hết; đúng ra dùng không hết thì phải tham mưu, báo cáo Sở để điều chuyển các nguồn đó cho các trung tâm khác. Cái lỗi của Ban Giám đốc trung tâm là không tuân thủ các nguyên tắc trên. Tới khi gạo và một số loại phẩm khác gần hết hạn sử dụng, trung tâm lại thống nhất nội bộ chia lại số hàng tài trợ gần hết hạn sử dụng cho nhân viên khó khăn, không phải là quy ra thành tiền rồi chia chác như kết luận của thanh tra thành phố.

Hiện nay, Trung tâm đã phải kiểm điểm sai lầm và Sở cũng đã kịp thời có những chấn chỉnh quyết liệt bằng nhiều cách, như:  Ra văn bản quy định về việc thành lập tổ tiếp nhận hàng tài trợ ở từng cơ sở bảo trợ xã hội, công khai thông tin nhận tài trợ hàng tháng. Nếu cố tình vi phạm thì xử lý, xét tính chất sự việc xem có tư túi không, đừng để các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, những nhà có tấm lòng thiện nguyện phải buồn lòng…, ông Tấn cho hay.