Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Số trẻ mắc tay chân miệng gia tăng gấp 5-6 lần

Tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc tay chân miệng. Trong hai tháng vừa qua, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh lý này đã tăng gấp 5-6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Bệnh tay chân miệng có thể gây thành dịch lớn và có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Thông tin trên báo Nhân dân, TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh tay chân miệng (hand-foot-mouth disease) là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do virus đường ruột gây ra.

Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương.

"Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới năm tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới ba tuổi. Hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 30-50 bệnh nhân. Các bệnh nhân chủ yếu đến từ Hà Nội", TS Lâm cho biết.

Cũng theo TS Nguyễn Văn Lâm, bệnh tay chân miệng có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu dễ nhận biết bao gồm: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng. Trẻ có tổn thương ở da như dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Trong trường hợp gia đình có trẻ mắc tay chân miệng cần đảm bảo: Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt); rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà; lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.

Phụ huynh cần cách ly trẻ bệnh tại nhà, không để trẻ đến nhà trẻ, trường học, nơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Liên quan đến bệnh tay chân miệng ở trẻ, báo điện tử VTC.VN cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 10.745 trường hợp mắc tay chân miệng tại tất cả 63 tỉnh/thành phố. Trong đó có 6.662 trường hợp nhập viện, không có người thiệt mạng. So với cùng kỳ năm 2019, số mắc cả nước giảm 55,6%, số trường hợp nhập viện giảm 51,5%.

Tuy vậy, tại một số địa phương ghi nhận số ca mắc gia tăng trong các tuần gần đây như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Ninh.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh hiện bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh. Bên cạnh đó, dự báo số mắc tay chân miệng có nguy cơ gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và người chết, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Cục Y tế đề nghị các tỉnh/thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền về phòng ngừa dịch bệnh, thực hiện 3 sạch: ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch..