Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Sống xanh, sống tối giản

No Poo nghĩa đơn giản là No Shampoo - gội đầu không cần dầu gội. Khái niệm No Poo qua các page, group về Sống xanh, sống tối giản... nhưng thực ra, từ trước tới giờ ở quê, các bà các mẹ đã dùng quả bồ kết nướng vàng ngâm trong nước nóng cho ra tinh chất để gội đầu.

Sau này xa nhà lên đại học, vì môi trường học, vì không có nhiều thời gian gội đầu, vì stress tóc rụng nhiều nên tôi đã quyết định cắt ngắn mái tóc đấy và gửi tóc ủng hộ cho các bệnh nhân ung thư. Lên thành phố, tôi có điều kiện để tìm hiểu và sử dụng nhiều sản phẩm dầu gội và dưỡng tóc khác nhau, và chính tôi cũng đã cuốn đi trong những dòng sản phẩm đó. Tóc tôi vẫn rụng ngày một nhiều, nó rụng đến nỗi mỗi lần tôi nắm tay lại đo tóc đều cảm thấy xót xa...

Trong một lần tình cờ lang thang trên mạng, tôi thấy có rất nhiều anh chị chia sẻ hay thắc mắc về vấn đề gội đầu bằng bồ kết. Cả một bầu trời kí ức ùa về. Tôi đã chia sẻ hết những cách làm dầu gội mà trước kia mình học được ở bà, ở mẹ. Và tôi chợt nghĩ, nếu như mình đang hướng đến một cuộc sống xanh, hạn chế rác thải, thì tại sao mình không tự nấu nước gội đầu và hạn chế dùng các sản phẩm công nghiệp kia?

Từ đó, vì không có nhiều thời gian nên tôi nấu 1 lần nước gội đầu để dùng trong 2 tuần. Thời gian đầu, khi mới gội xong, cảm giác da đầu rất sạch và rất đã, nhưng sau đó tóc lại khô và không được mượt mà cho lắm. Nhưng tôi tiếp tục kiên trì, dần dần tóc mềm mại hơn, đỡ rụng hơn hẳn và các sợi tóc con mọc ra rất nhiều. Tôi cũng kết hợp nấu nước gội đầu để xông mặt, xông phòng và tắm để tẩy tế bào chết cũng rất hiệu quả nữa.

Có thể mái tóc tôi giờ đây không óng ả, thơm ngát hương hoa hồng hay hoa nhài công nghiệp làm say đắm bao anh chàng như bao cô gái. Nhưng tôi lại cảm thấy thỏa mãn với mùi hương đồng cỏ nội của bồ kết, của gừng, sả, chanh hay hương nhu. Mỗi lần tôi nấu nước để gội đầu, mùi hương lan tỏa khắp nhà. Tôi giống như được sống lại ở những ngày tháng tuổi thơ yên bình vậy đó.

Tôi đã No Poo liên tục như thế nào trong 6 tháng qua? - Ảnh 1.

Ảnh: FBNV.

Nguyên liệu:

Nguyên liệu chính: bồ kết/bồ hòn, 2 nguyên liệu chính này tiết ra chất Saponin có tác dụng làm sạch - Hầu hết các hãng dầu gội dược liệu để có chất này.

Nguyên liệu phụ: cỏ mần trầu (kết hợp với bồ kết giúp tóc đen óng và mượt hơn), một số nguyên liệu tạo mùi thơm, có tinh dầu, dưỡng tóc như: sả, hương nhu, gừng, vỏ chanh, vỏ bưởi, nha đam, hoa dâm bụt...).

Cách làm:

Trước hết, cần chuẩn bị một chiếc nồi thật to để có thể nấu được khoảng 2-3 lít nước. Cho bồ hòn và bồ kết (nướng thơm và bỏ hạt để tránh bết tóc) vào nấu với lửa nhỏ, sau khi sôi thì đậy vung kín và để qua đêm giúp các chất trong quả được ra hết. Sau đó bạn cho cỏ mần trầu và các nguyên liệu không có tinh dầu vào tiếp tục đun, sau đó tắt bếp, để nghỉ. Lưu ý quá trình đun nhỏ lửa và chống nước trào ra ngoài. Cuối cùng, cho các nguyên liệu có tinh dầu như sả, gừng, vỏ bưởi... và tiếp tục đun sôi, tắt bếp và đậy kín để giữ lại tinh dầu. Đợi nước nguội thêm một ít nước chanh đem rót vào chai, nắp kín, để tủ mát dùng dần.

Tôi đã tham khảo một số anh chị chuyên về dầu gội và tinh dầu, thì các anh chị đều nói rằng, dầu gội tự nấu chỉ cô đặc hơn, nhưng muốn làm sệt như dầu gội họ bán thì phải có thêm chất tạo đặc. Vì vậy, tôi chỉ cô đặc lại để cất dùng dần để tránh mất diện tích, mỗi lần gội, lấy 1 phần nước ra, hòa với nước sôi nóng rồi để nguội ấm và bắt đầu gội đầu. Mọi người có thể dùng tay để đánh bọt lên, nhưng đặc điểm của những "em bọt" này là rất mỏng manh và dễ vỡ. 

Các nguyên liệu mà tôi nấu ở trên rất thân thiện với môi trường và rất dễ kiếm. Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi lựa chọn Huế trong 6 năm học đại học. Không chỉ là con người hiền lành thân thiện, giá cả phải chăng, ẩm thực đặc sắc, văn hóa nổi bật và sông nước cảnh đẹp hữu tình.