Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tai nạn phỏng điện để lại những nỗi đau quá lớn!

(Dân sinh) - Đa số bệnh nhân bị phỏng do điện giật đều để lại thương tích rất nặng, thậm chí có trường hợp nạn nhân phải đoạn chi để giữ lại tính mạng, chấp nhận cuộc sống tàn phế suốt đời.

Đoạn chi, sống tàn phế do phỏng điện

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, phóng viên báo Dân sinh từng chứng kiến không ít trường hợp bệnh nhân bị phỏng nặng thương tâm. Những ca phỏng này đều do điện gây ra và họ phải gánh chịu một hậu quả quá lớn, phải đoạn chi, sống tàn phế.

Trường hợp anh S.C. (39 tuổi, người Campuchia), nhập viện trong tình trạng phỏng điện (mức phỏng 16% độ 2,3,4 ở tứ chi).

Trao đổi với phóng viên người nhà anh C. - cho biết: "Anh C. treo lên nóc nhà để sửa nhà thì vô tình trong lúc sửa chữa anh đã chạm vào điện cao thế. Điện phóng giật làm anh C. té ngã. Sau sự việc, gia đình đã đưa anh C. đi sơ cứu tại một bệnh viện ở Campuchia. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng, anh C. được chuyển sang BV Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị".

Tai nạn phỏng điện để lại những nỗi đau quá lớn! - Ảnh 1.

Ca phỏng điện nghiêm trọng phải đoạn chi tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM

Trước đó, liên quan đến ca này TS.BS. Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy – thông tin: "Bệnh nhân C. được người nhà chuyển đến bệnh viện, tại đây bệnh nhân này đang trong tình trạng chân tay lạnh, co quắp, người yếu… Các bác sĩ bệnh viện đã tích cực điều trị, cắt lọc phần da bị hoại tử của nạn nhân, nhưng do vì vết phỏng quá sâu và hoại tử nặng nên buộc phải đoạn cả 4 chi để giữ tính mạng".

Theo đó, các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã tiến hành phẩu thuật cắt cụt 1/3 trên cẳng tay phải và trái. Đồng thời cắt luôn 1/3 giữa cẳng chân phải và trái cho bệnh nhân. Sau hơn 1 tuần điều trị, anh C. đã may mắn qua cơn nguy kịch, tuy nhiên điều thương tâm là bệnh nhân này phải chịu cảnh sống tàn phế suốt đời.

Tương tự, có trường hợp anh N.A.K. (41 tuổi, quê Bình Định). Anh K. bị điện cao thế giật phải nhập viện trong tình trạng tay chân bị phỏng. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, người nhà anh K. – cho biết: "Anh K. làm nghề thợ hồ. Thời điểm bị tai nạn lao động là anh đang xây dựng ở cao và không may bị điện cao thế phóng giật té xuống đất, bị chấn thương nặng. Anh K. sau đó được đồng nghiệp đưa đi cấp cứu tại một bệnh viện tại địa phương, rồi được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy".

Bác sĩ Hiệp – cho biết, bệnh nhân K. đã phải trải qua ít nhất 7 lần phẫu thuật cắt lọc hoại tử, tuy nhiên vẫn không giữ lại được 2 tay và một chân bên trái. Các bác sĩ BV buộc phải phẫu thuật cắt cụt 1/3 trên cẳng chân trái, 1/3 trên cẳng tay trái và 1/3 giữa cẳng tay phải của bệnh nhân.

"Đa số bệnh nhân bị phỏng điện là trụ cột trong gia đình, nghiêm trọng là họ phải sống cảnh đoạn chi, sống tàn phế… đây thực sự là nỗi đau cho gia đình và xã hội", anh Lưu Bình (ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ về trường hợp phỏng điện trên.

Còn đó nỗi lo ngại nguy cơ phỏng điện

Mặc dù chưa có số liệu cập nhật mới nhất và cụ thể về các trường hợp người dân bị điện giật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nhưng thực tế tình trạng này vẫn đang và có nguy cơ xảy ra cao. Trước đó, bác sĩ  Ngô Đức Hiệp, từng nhấn mạnh, phỏng do điện cao thế hầu hết là phỏng sâu, tiên lượng rất xấu nếu diện tích phỏng lớn và ở các vị trí nguy hiểm tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với điện.

Ngoài ra, thông tin gần đây nhất tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi năm, Khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình BV này tiếp nhận khoảng 300 đến 400 trường hợp phỏng điện, trong đó có khoảng trên dưới 100 ca phải đoạn chi do phỏng nặng.

Tai nạn phỏng điện để lại những nỗi đau quá lớn! - Ảnh 2.

Tại nạn do phỏng điện là rất nguy hiểm, nếu không may chỉ một giây bất cẩn, các nạn nhân bị phỏng điện có thể đối mặt với cái chết, còn may mắn vượt qua cửa tử thì cũng phải đối mặt với nguy cơ tàn phế suốt đời

Đa số tổn thương do phỏng điện cao thế là rất nghiêm trọng, đặc biệt là điểm vào và điểm ra của dòng điện cao thế… gây tổn thương hoại tử khô cứng chu vi chi nơi điện vào và tổn thuơng dọc theo đường dẫn của dòng điện đi qua cơ thể. Lúc này, nguy cơ phải cắt cụt chi là cao do đông tắc các mạch máu hoặc hoại tử các khối cơ lớn, hoại tử cơ xương gây ra các biến chứng rất nặng nề như hoại tử tế bào gan, suy thận cấp, nhiễm độc gây nguy cơ tử vong cao.

Không những thế, phỏng điện còn gây tổn thương thần kinh đối với các trường hợp điểm vào ở vùng đầu. Có trường hợp hoại tử hết độ dày của xương sọ đến tận màng não, hay gặp nhất là hoại tử các dây thần kinh nơi dòng điện đi vào cơ thể. Không dừng lại ở đó, việc tổn thương mạch máu, hoại tử sâu ở chi là điều gần như xảy ra ở tất cả các bệnh nhân bỏng điện cao thế có điểm vào ở tay và điểm ra ở chân.

Thường gặp nhất là tổn thuơng ở bàn tay, cổ tay… gây đông tắc động mạch quay, động mạch trụ và toàn bộ khối cơ vùng bàn tay, cổ tay. Đặc biết, nếu có tổn thương phỏng quá rộng hoặc hoại tử các khối cơ lớn sẽ làm phóng thích một lượng lớn độc tố phỏng gây hiện tượng nhiễm độc nặng toàn thân và suy gan cấp, suy thận cấp.

Thực tế cho thấy, tai nạn phỏng điện là điều khó tránh khỏi, và nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn lao động, rủi ro lớn xảy ra ở các công nhân xây dựng công trình dưới đường điện, công nhân điện lực sửa chữa đuờng dây, công nhân làm việc gần đường điện,... Trời mưa, độ ẩm không khí tăng cao cũng khiến khả năng dẫn điện giữa dây điện và người là rất lớn. Điện trở khi lúc này gần như bằng 0 nên việc phóng điện dễ xảy ra.

Một bác sĩ chuyên khoa Phỏng - Phẫu thuật tạo hình tại một bệnh viện tại TP.HCM - cho rằng: "Tại nạn do phỏng điện là rất nguy hiểm, nếu không may chỉ một giây bất cẩn, các nạn nhân bị phỏng điện có thể đối mặt với cái chết, còn may mắn vượt qua cửa tử thì cũng phải đối mặt với nguy cơ tàn phế suốt đời. Ngoài ra, gánh nặng lớn trong việc điều trị, bởi phỏng cần thời gian điều trị lâu dài.