Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tăng cường nội nhu để tạo thêm động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm

(Dân sinh) - Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, để tạo thêm động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm cần phải tăng cường nội nhu. Đặc biệt là một số trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh đều có mức tăng trưởng dương ở 2 con số.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh chỉ số thương mại toàn cầu nửa đầu năm nay giảm kỷ lục, Việt Nam cũng bị tác động mạnh, nhất là trong tháng 3 và tháng 4. Đến tháng 5 và tháng 6, các chỉ số thương mại nội địa, xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã có sự hồi phục, tuy so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng trưởng âm nhưng đã tăng so với tháng trước.

Tăng cường nội nhu để tạo thêm động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm - Ảnh 1.

Kích thích tiêu dùng trong nước.

Cụ thể, tháng 6 xuất khẩu tăng 9,5% so với tháng 5 và tháng 5 tăng 9,1% so với tháng 4. Điều đó cho thấy, nếu chúng ta giữ được nhịp độ phục hồi kinh tế thì sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa và xuất khẩu đều có dư địa phát triển tốt hơn những tháng cuối năm.

Trong đó, các thị trường xuất khẩu Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng tương đối tốt, tương ứng mức 17,4% và 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Mỹ vẫn là thị trường có dư địa phát triển tốt và cần quan tâm trong những tháng cuối năm.

Thị trường CPTPP và một số nước khác cũng tăng trưởng dương, còn tăng trưởng âm tập trung vào ASEAN, Nhật Bản và Liên minh châu Âu. Đây cũng là những điểm cần lưu ý trong định hướng lớn về xuất khẩu và hội nhập thời gian tới.

Sản xuất công nghiệp trong tháng 6 cũng tăng trưởng tốt hơn, ở mức 10,3% so với tháng 5 và tháng 5 tăng 11,9% so với tháng 4. Một số ngành công nghiệp có điều kiện phát triển tốt như điện tử, máy vi tính, hóa chất… Theo Bộ trưởng, đây cũng là dư địa cần tính toán các giải pháp cho các tháng cuối năm.

Phân tích sâu hơn về thị trường nội địa trong vai trò dư địa cho tăng trưởng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu bật thông tin đáng phấn khởi là tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ cải thiện rất đáng kể.

Nếu như tháng 4 giảm sâu tới 20,5% thì đến tháng 5 đạt mức tăng 31,8 % và tháng 6 là tăng 6,1%. Đặc biệt, khu vực bán lẻ tháng 6 tăng 4,1% so với tháng trước và 9,4% so với cùng kỳ năm 2019.