Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tạo cơ sở pháp lý để chăm lo, bồi dưỡng và phát triển thanh niên

(Dân sinh) - Từng là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nên những ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 15/11.

Nhắc đến quá trình "thai nghén" của Luật Thanh niên trước đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, phải mất 23 năm và trải qua 5 nhiệm kỳ Bí thư thứ nhất mới cho ra đời được Luật Thanh niên. "Sự ra đời của Luật thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng nhà nước nhằm chăm lo bồi dưỡng phát triển thanh niên.", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trở lại với Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến, theo Bộ trưởng, mục tiêu lớn nhất của Luật là phải đạt được 2 tiêu chí: thứ nhất là thể chế hóa được quan điểm của Đảng về vấn đề Nhà nước và xã hội có trách nhiệm chăm lo, bồi dưỡng và phát triển thanh niên. Thứ hai là thanh nhiên cũng có trách nhiệm đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Hay nói cách khác là sự ra đời của Luật phải tạo nền tảng, tạo cơ sở pháp lý để chăm lo, bồi dưỡng và phát triển thanh niên.

Tạo cơ sở pháp lý để chăm lo, bồi dưỡng và phát triển thanh niên - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung góp ý cho Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) chiều 15/11 (Ảnh: C.G)

Theo Bộ trưởng, cái khó khi xây dựng Luật Thanh niên là ở chỗ thanh niên là một lực lượng xã hội chứ không phải là lát cắt, một đối tượng hay một giai tầng xã hội. Vì vậy, bản thân mỗi thanh niên là một công dân. Đã là công dân thì họ có quyền và nghĩa vụ của một công dân. Do vậy, những gì là cái chung của công dân thì là đương nhiên không cần bàn trong Luật nữa. Dự thảo Luật Thanh niên sửa đổi phải phải tìm được cái riêng, đặc thù riêng của thanh niên.

"Theo tôi, đối với thanh niên, có 4 vấn đề cần phải chăm lo là: ăn ở, học hành, việc làm, vui chơi và phát triển. Trước đây chính tôi cũng là người chủ trì xây dựng Luật Thanh niên. Ở thời điểm đó, sau khi đã bàn bạc rất kỹ chúng ta thống nhất là trước tiên tạo luật khung đã và trên cơ sở luật khung thì nhà nước cụ thể hóa bằng các chính sách cho từng nhóm đối tượng như thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích, thanh niên cai nghiện…Luật thanh niên lúc đầu được xây dựng với mục đích đó và cũng có nhiều thành công, tuy nhiên việc thực hiện Luật trong thời gian qua đã bộc lộ điểm yếu nhất là không có cơ quan quản lý nhà nước, không có người đứng ra để xây dựng các chính sách cụ thể nhằm thực thi việc cụ thể hóa Luật. Do vậy, nếu đến giai đoạn này mà chúng ta lại tiếp tục ra một Luật khung thì không giải quyết được gì", Bộ trưởng phân tích.

Từ những phân tích trên, theo Bộ trưởng, Luật Thanh niên (sửa đổi) cần đi sâu vào những vấn đề rất cụ thể. Với lớp thanh nhiên bình thường thì đã có chính sách của một công dân bình thường, Luật cần tập trung vào 2 nhóm đối tượng là nhóm "đi trước đón đầu" tức là nhóm thanh niên tiên tiến và nhóm thanh nhiên yếu thế.

Tạo cơ sở pháp lý để chăm lo, bồi dưỡng và phát triển thanh niên - Ảnh 2.

Đào tạo nghề cho thanh niên luôn là vấn đề được Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm (Ảnh: Mạnh Dũng)

Với lực lượng thanh niên tiên tiến, theo Bộ trưởng, chúng ta cần tập trung vào một vài chính sách để mở đường, ví dụ như chính sách khởi nghiệp. "Ở Trung Quốc họ đặt ra các "lò ấp trứng", đưa vào đấy một khoản tiền để cho thanh niên thể hiện tài năng. Tiền này, nếu thành công thì tốt, nế không thành công thì nhà nước chịu rủi ro. Chính sách này rất nên tham khảo. Hay việc cho thanh nhiên tham gia vào một số công trình quốc gia với tư cách là một lực lượng xã hội...", Bộ trưởng nêu quan điểm.

Còn đối với nhóm thanh niên yếu thế, theo Bộ trưởng, nếu chỉ đề cập đến thanh niên dân tộc thiểu số như trong Dự thảo Luật là không đủ, thậm chí nếu tiếp cận như trong Dự thảo luật và tưởng rằng đó là nhân ái, là tốt nhưng thực tế chúng ta lại đang đi ngược với xu hướng chung của thế giới.

"Chẳng hạn nếu cho toàn bộ thanh niên dân tộc ở riêng, học riêng với nhau và tưởng rằng như thế là văn minh. Nhưng không phải, đó là sự phân biệt đối xử, không cho các em tiếp cận với những thanh niên khác để tạo ra sự hòa đồng. Cách tiếp cận này có lẽ cũng phải xem lại.", Bộ trưởng nêu ví dụ và cho rằng, với thanh niên yếu thế, chúng ta cần phải có chính sách rất cụ thể cho từng nhóm đối tượng như: chính sách cho thanh niên cai nghiện, thanh niên mắc vào các tệ nạn xã hội, thanh niên khuyết tật....

"Việt Nam có khoảng 1,1 triệu người khuyết tật và chúng ta đều đang dùng điện thoại thông minh. Vậy tại sao không suy nghĩ, người mù có những công nghệ được cọi là "đôi mắt công nghệ", họ chỉ cần cầm một cái điện thoại thông minh đi ngoài đường mà không cần gậy dẫn đường…Phải lưu ý những vấn đề này khi xây dựng Luật để tạo những điều kiện khác đi, những cái dành riêng cho thanh niên. Điều này đòi hỏi tầm suy nghĩ khi xây dựng Luật này phải vượt trên một bước so với những cái bình thường.", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng lưu ý, trong Dự thảo luật có một số vấn đề liên quan đến bổn phận và nghĩa vụ của thanh niên cần phải rà soát kỹ bởi không cẩn thận sẽ vi phạm các Công ước, điều khoản mà chúng ta đã cam kết.

"Tới đây chúng ta sẽ phê chuẩn Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức, vì vậy, trong Dự thảo Luật, nếu muốn huy động thanh nhiên vào các công trình, các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội phải dùng từ "huy động thanh niên tình nguyện" chứ nếu huy động theo tính chất bắt buộc thì sẽ là lao động cưỡng bức. Bên cạnh đó, đối với nhóm vị thành niên hay nhóm 16-18 tuổi cũng rất cần phải cụ thể hóa việc áp dụng những điều ước quốc tế với nhóm này thế nào và áp dụng ra sao để phù hợp với Việt Nam, Luật phải tính toán rất kỹ, nếu không cẩn thận thì tự ta trói tay ta.", Bộ trưởng lưu ý, đồng thời nhấn mạnh, Dự thảo Luật cần đề cao vai trò của Bộ Nội vụ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thanh niên.