Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tập trung - kỹ năng quan trọng nhất của trẻ

Nir Eyal là giảng viên trường Kinh doanh Stanford (thuộc Đại học Stanford, Mỹ), chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý, công nghệ và kinh doanh. Những nghiên cứu, bài báo của Nir Eyal được Harvard Business, TechCrunch, Time, The Week đánh giá cao. Ông chia sẻ quan điểm cá nhân về kỹ năng quan trọng nhất của trẻ em trong thời đại ngày nay.

Trong thời đại công nghệ với nhiều trò chơi, ứng dụng có sức hút, việc giữ cho con tập trung vào một việc cụ thể là nhiệm vụ khó khăn của bố mẹ. Ngay cả Steve Jobs hay Bill Gates, những tỷ phú công nghệ, cũng hạn chế thời gian con cái sử dụng sản phẩm điện tử.

Theo tôi, tập trung cao độ là kỹ năng quan trọng nhất của một đứa trẻ trong thế kỷ 21 nhưng không nhiều cha mẹ dạy con điều này.

Sau nhiều năm nghiên cứu tổng hợp giữa tâm lý học, công nghệ và cách chúng tác động đến con người, tôi nhận thấy một trong những sai lầm lớn nhất mà cha mẹ mắc phải là không trao quyền để con kiểm soát thời gian của mình.

Ngay cả khi thất bại trong việc kiểm soát thời gian, việc cho con tự quyết định vẫn là món quà to lớn và là phần tất yếu của quá trình học tập. Bố mẹ cần tạo điều kiện cho con chịu trách nhiệm vì chỉ khi làm được điều đó, con mới có trách nhiệm với hành vi của chính mình.

Tập trung - kỹ năng quan trọng nhất của trẻ - Ảnh 1.

Giảng viên Nir Eyal. Ảnh: Linkedin

Dạy con từ nhỏ

Khi con gái tôi lên 5 và khăng khăng dành thời gian dùng máy tính bảng cả ngày, tôi nghĩ mình và vợ cần làm điều gì đó.

Sau khi bình tĩnh, chúng tôi quyết định tôn trọng nhu cầu của con bé theo cách mà Richard Ryan, một trong những nhà nghiên cứu có nhiều trích dẫn nhất thế giới về cách điều khiển hành vi con người, khuyên: Giải thích đơn giản nhất có thể rằng dùng thiết bị công nghệ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến những thứ khác trong cuộc sống.

Con gái tôi ở lứa tuổi mẫu giáo nên chúng tôi có thể giải thích cho con bé việc này bằng nhiều cách. "Sử dụng các thiết bị điện tử cả ngày nghĩa là con có ít thời gian để chơi với bạn bè ở công viên, bể bơi công cộng hoặc với bố mẹ", tôi nói.

Dạy con tự chủ

Có nhiều yếu tố có thể giúp tập trung cao độ, tôi nghĩ một trong số đó là có trách nhiệm với quyết định của mình bởi khi tuân thủ những gì bản thân nói ra, chúng ta mới có sự tập trung để thực hiện nó.

Tôi và vợ hỏi con gái liệu dành bao nhiêu thời gian sử dụng thiết bị công nghệ một ngày là tốt nhất và cho con bé tự quyết định. Chúng tôi đã mạo hiểm bằng cách trao cho con quyền tự quyết định nhưng điều này đáng để thử.

Thật ra, tôi đã nghĩ con bé nói "Cả ngày". Nhưng không, thay vào đó, khi được trao quyền tự quyết, con bé cân nhắc và có trách nhiệm hơn với những điều mình nói, ngượng ngùng bảo "Hai tập phim", khoảng 45 phút.

"Con có chắc 45 phút là thời gian dùng máy tính hàng ngày của mình không?", tôi cẩn thận hỏi lại và con bé gật đầu. "Con nghĩ thế là đủ để còn có thời gian cho các hoạt động khác", con gái tôi trả lời. Khi tôi hỏi làm như nào để biết chính xác con sử dụng máy trong 45 phút, con bé đề nghị sử dụng đồng hồ bấm giờ.

"Bố mẹ đồng ý, tuy nhiên vẫn sẽ giám sát xem con có thực hiện đúng hay không. Nếu không, bố nghĩ chúng ta cần xem xét lại cuộc thảo luận này", tôi nói và con bé thống nhất.

Hiện tại, con gái tôi 10 tuổi và vẫn chịu trách nhiệm về thời gian sử dụng máy tính bảng của mình. Con bé thực hiện một số điều chỉnh nhưng vẫn tuân thủ những gì mình đã nói với bố mẹ trước đó.

Nhiều bố mẹ muốn biết liệu có một mức thời gian chính xác để con sử dụng thiết bị công nghệ không, câu trả lời là không. Con số tuyệt đối như vậy không tồn tại vì cần căn cứ nhiều yếu tố như nhu cầu cụ thể của con, điều con mong muốn làm khi sử dụng Internet...

Bố mẹ cần hiểu con mình để đưa ra những thử thách và lựa chọn phù hợp. Nếu có được sự tập trung cao độ, con bạn sẽ sống nghiêm túc, trách nhiệm với mình và những người xung quanh hơn.