Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tây Giang (Quảng Nam): Bình quân mỗi năm giảm 1,6% hộ nghèo

(Dân sinh) - Triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện miền núi Tây Giang nói riêng và trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói chung.

Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo, huyện Tây Giang đã xây dựng Đề án hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện. Đề án được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt với tổng nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2020 là hơn 5.625 tỷ đồng.

Huyện Tây Giang (Quảng Nam): Bình quân mỗi năm giảm 1,6% hộ nghèo - Ảnh 1.

Bộ đội biên phòng hướng dẫn người dân huyện Tây Giang kỹ thuật trồng lúa.

Trong 12 năm, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ trên 396 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết 30a trên địa bàn huyện Tây Giang và bố trí kinh phí thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo khác. Ngoài ra, ngân sách địa phương đã bố trí hơn 49 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP trên địa bàn các huyện nghèo. Từ nguồn vốn này, cùng sự hỗ trợ của doanh nghiệp, cộng đồng và các đoàn thể, huyện đã triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo như hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; chính sách xuất khẩu lao động; nhân rộng mô hình giảm nghèo...

Năm 2017, toàn huyện có 3 mô hình nhân rộng giảm nghèo với kinh phí thực hiện 250 triệu đồng. Năm 2018 có 1 mô hình nuôi cá lồng bè cho nhân dân thôn Apát, xã Avương với kinh phí thực hiện 160 triệu đồng. Năm 2019, phân bổ 1,88 tỷ đồng cho các ngành và địa phương thực hiện 08 mô hình giảm nghèo, như: Mô hình canh tác lúa SRI, trồng cây Bòn Bon tại các xã Avương và xã Dang, mô hình chăn nuôi bò vàng tập trung tại xã Lăng. Năm 2020, phân bổ hơn 1,55 tỷ đồng cho các ngành và địa phương thực hiện 8 mô hình giảm nghèo.

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo, dạy nghề; tăng cường thu hút cán bộ, trí thức trẻ đối với các huyện nghèo cũng được chú trọng. Giai đoạn 2009 - 2019, đã hỗ trợ chi phí học tập và miễn giảm học phí cho 16.941 học sinh với tổng kinh phí hơn 11tỷ đồng; hỗ trợ chế độ ăn trưa cho trẻ mầm non cho 3.670 học sinh…

Thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", các ngành, các địa phương đã phối hợp với các trường dạy nghề tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nông thôn được 243 học viên là người nghèo, người DTTS. Sau khi hoàn thành khóa học, số học viên này chủ yếu đã tự tạo được việc làm cho mình ngay tại địa phương, một số đi làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và thành phố Đà Nẵng.

Mở 25 lớp khuyến công cho 783 lượt người tham gia; bố trí tạo việc làm cho 783 lao động sau các khóa đào tạo (tự tạo việc làm), nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện nghèo từ 5,57% (năm 2015) lên 6,46% (năm 2019).

Trong giai đoạn 2009 - 2020, huyện Tây Giang đã đầu tư 143 công trình với tổng số tiền trên 355 tỷ đồng, gồm các công trình trường học, cơ sở dạy nghề tổng hợp, bệnh viện huyện, khu vực, trung tâm y tế dự phòng, công trình thủy lợi… Thực hiện duy tu, bảo dưỡng đối với 41 công trình xuống cấp và hư hỏng. Nhìn chung, các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng có độ bao phủ tương đối rộng, cơ bản đáp ứng được một phần nhu cầu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trong đời sống sinh hoạt của người dân thuộc huyện nghèo, đặc biệt là đối với hộ nghèo.

Đối với các chính sách giảm nghèo hiện hành khác như hỗ trợ nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý… cũng được quan tâm thực hiện. Từ năm 2009-2015, thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, tổng số nhà ở hỗ trợ cho các đối tượng từ các chương trình là 699 nhà, tổng kinh phí 14,6 tỷ đồng; từ năm 2016-2020, sử dụng 1,3 tỷ đồng hỗ trợ từ các Công ty, doanh nghiệp, đội tuyển U23 Việt Nam để hỗ trợ hộ nghèo, hộ người có công làm nhà ở.

Tổng nguồn vốn cho vay từ năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2020 là hơn 124 tỷ đồng, trong đó: Cho vay đối với hộ nghèo 53,8 tỷ đồng; Cho vay đối với hộ cận nghèo 1,42 tỷ đồng; Cho vay đối với hộ mới thoát nghèo 10,7 tỷ đồng. Thực hiện các chính sách về BHYT, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người DTTS sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, từ năm 2016 đến tháng 5/2020, đã cấp 88.810 thẻ BHYT. Trong 4 năm 2016-2020, đã hỗ trợ tiền điện thắp sáng cho 12.541 hộ nghèo.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã thực sự đi vào cuộc sống. Đời sống của người nghèo được cải thiện rõ rệt, những nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt cơ bản được đáp ứng. Các mô hình phát triển sản xuất đã mang lại nhiều kết quả, góp phần nâng cao thu nhập ổn định cho người dân và được nhân rộng hằng năm.

Tính đến cuối năm 2019, toàn huyện Tây Giang còn 1.932 hộ nghèo, tỷ lệ 38,07%, trong đó có 80 hộ nghèo thuộc chính sách người có công, tỷ lệ 4,14%; 09 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, tỷ lệ 0,47%; 1.929 hộ nghèo là dân tộc thiểu số, tỷ lệ 99,84%; 91 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,79%. So với năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 15,98%, bình quân giảm 1,6%/năm. Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo là 32,70%.