Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Tết ấm của cụ già neo đơn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

“Cả cuộc đời tôi làm công nhân nay đây, mai đó và không xây dựng gia đình, nay anh chị em không còn ai, nhà cửa cũng không có nên được vào Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội đối với tôi, không hạnh phúc nào bằng; đây là ngôi nhà chung. Tết đến, Trung tâm tổ chức lo cho chúng tôi được đón Tết đầy đủ, từ cái áo, tấm quà cho đến những món ăn mang đậm hương vị truyền thống cũng như sự quan tâm, ân cần của các nhân viên làm việc nơi đây”.

Bà Nguyễn Thị Nhung (75 tuổi) đã có gần chục năm sống trong Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội không giấu được niềm vui khi kể về cuộc sống của các cụ già và em nhỏ nơi đây.

Cùng sum vầy trong ngôi nhà lớn

Rồi bà Nhung kể, hồi mới vào Trung tâm, bà rất hay tủi thân vì chưa quen, lại nghĩ cả cuộc đời đi làm có bạn có bầu nay phải thui thủi một mình. Nhưng dần bà quen với nếp sống ở Trung tâm, quen với các cụ già có cùng cảnh ngộ, trò chuyện các cháu nhỏ kém may mắn. Đặc biệt, bà nhận được sự quan tâm, chăm sóc động viên kịp thời của các nhân viên nơi đây nên không còn buồn như trước.

Tết ấm của cụ già neo đơn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt - Ảnh 1.

Các em nhỏ được tham gia gói bánh chưng.

"Tôi vẫn còn nhớ như in cái Tết đầu tiên được đón tại Trung tâm. Thật sự là ngoài sức tưởng tượng! Ngày Tết cũng được Trung tâm tổ chức rất chu đáo, từ cành đào, cây quất cho đến việc mổ lợn, gói bánh chưng rất vui. Hay những món ăn truyền thống trong gia đình ngày Tết vẫn thường có: Bánh chưng, thịt gà, canh măng, nem, giò chả… được các cô cấp dưỡng nấu nướng rất chu đáo suốt mấy ngày Tết. Nói thật, không khí Tết ở đây không thua kém ở các gia đình", bà Nhung phấn khởi kể.

Bà Nhung cho biết, ngay từ đầu tháng 12 Âm lịch, Trung tâm tổ chức dọn dẹp cảnh quan sạch đẹp. Cây quất, cành đào cũng được trang hoàng.

Tết ấm của cụ già neo đơn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Nhung phấn khởi khi được các học sinh đến tặng quà và chuyện trò trong những ngày giáp Tết.

Mỗi người đến Trung tâm Bảo trợ xã hội có một hoàn cảnh khác nhau nhưng giống nhau ở điểm thiếu thốn, khao khát tình thân. Bởi thế, họ coi Trung tâm Bảo trợ xã hội là mái nhà chung và những người sống trong đó là một gia đình lớn. Tết là dịp sum họp, người người quây quần bên gia đình, đối với các cụ già neo đơn không nơi nương tựa, các cháu nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt Tết cũng là dịp để họ cùng nhau sum vầy trong ngôi nhà lớn, cùng sẻ chia để vơi đi những bất hạnh, mất mát trong cuộc sống.

Tết ấm của cụ già neo đơn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt - Ảnh 3.

Cám bộ Trung tâm và các tình nguyện viên đến gói bánh chưng, chuẩn bị Tết cho các cụ già và trẻ nhỏ.

Bà Lê Thị Quý (80 tuổi) có 18 năm sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội bảo: "Niềm vui lớn nhất của tôi khi đến ở tại đây là nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các nhân viên. Tôi không có gia đình, người thân nay cũng không còn; với tôi các nhân viên ở Trung tâm như chính con cháu của mình. Các cô chăm sóc cho từng bữa ăn, giấc ngủ, ốm đau có bác sĩ thăm khám phát thuốc. Đặc biệt, Tết năm nào Trung tâm cũng tổ chức sum vầy, quây quần bên nhau. Sớm Mùng 1 Tết, tôi vừa ngủ dậy, Ban Giám đốc cùng nhân viên đến từng phòng chúc Tết, mừng tuổi. Món quà nhỏ nhưng đó là nguồn động viên tinh thần cho những hoàn cảnh già neo đơn. Nói thật, đón Tết ở Trung tâm vui hơn hồi trước tôi ở nhà vì trước đây tôi sống vò võ một mình…".

Bác sĩ Trần Thị Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội cho biết: Vào những ngày giáp Tết, các cán bộ nhân viên phải tăng cường ca trực và phân công công việc chu đáo hơn những ngày thường để làm sao những cụ già và em nhỏ đón Tết tại đây cảm thấy thực sự vui vẻ, hạnh phúc và đủ đầy. Đây là một công việc đặc thù, khá vất vả, không chỉ đòi hỏi trách nhiệm, chuyên môn mà còn rất cần đến tình cảm, cái tâm của mỗi cán bộ nhân viên tại đây. Nếu không đặt cái tâm, coi đây như gia đình, như những người ruột thịt của mình thì chúng tôi không bao giờ có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất.

… để cùng sẻ chia

Bà Nguyễn Thị Tâm (83 tuổi) đã sinh sống tại Trung tâm 5 năm qua. Với bà, một người phụ nữ đã mất hai đứa con, không nơi nương tựa tưởng như cuộc đời quá chua xót, quá nghiệt ngã. Nhưng khi đến với nơi đây, cụ như tìm được ngôi nhà thứ hai của mình. Trong những ngày Tết thế này, cụ nhận được rất nhiều bánh kẹo, đường sữa, sự chăm sóc, thăm hỏi động viên đặc biệt và thường xuyên của lãnh đạo và cán bộ, nhân viên, được đón giao thừa với những người bạn, người "chị em", những số phận giống như cụ. Chính những điều đó đã khiến cái tết của cụ trở nên ấm áp, đủ đầy, như tất cả mọi người trong xã hội.

Tết ấm của cụ già neo đơn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt - Ảnh 5.

Bác sĩ Trần Thị Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội mừng thọ cho các cụ sinh sống tại Trung tâm.

Với ông Bạch Quang Ngọc, những ngày Tết, sống ở Trung tâm chẳng khác nào không khí Tết trước đây ở gia đình ông. Giọng người đàn ông ngoài 80 tuổi chùng xuống khi kể về gia đình mình. Trước đây, ông cũng đã từng có gia đình nhưng rồi các con lớn lên, mỗi đứa một nơi, ngôi nhà nhỏ ông cũng đành bán đi để lo cho các con và ông không còn chốn đi về. "Được vào Trung tâm Bảo trợ số III Hà Nội sống, với tôi là niềm hạnh phúc bởi tôi đang là kẻ vô gia cư bỗng có nhà, có bầu bạn, các cháu và nhận được rất nhiều tình yêu thương. Ở đây, mỗi người một hoàn cảnh éo le nên ai cũng chia sẻ, động viên nhau cùng sống vui vẻ phần đời còn lại tại mái nhà chung nay".

Tết ấm của cụ già neo đơn và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt - Ảnh 6.

Điều dưỡng Đỗ Kim Oanh luôn ân cần, tận tụy chăm sóc các cụ.

Do hoàn cảnh gia đình, đã mấy mùa xuân Châu An thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ nhưng em may mắn được các bác, các cô Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội chăm sóc, dạy bảo. Với em, các cô ở đây chính là mẹ và ở đây, Châu An có thêm những người em mới. 5 năm liền, An là học sinh giỏi, học sinh xuất sắc. Em là cô bé ngoan ngoãn, lễ phép và ngoài giờ lên lớp em lại giúp đỡ các mẹ, các em. "Ở đây, có các mẹ, các em nên con vơi đi nỗi nhớ nhà và luôn cố gắng học giỏi để không phụ lòng các mẹ. Cứ Tết đến, con cũng như các ông bà, các em ở đây được các mẹ mua cho quần áo mới, được đón Giao thừa và quân quần bên nhau như một đại gia đình. Lớn lên con ước sẽ trở thành một nhà thiết kế thời trang", Châu An tâm sự

Các cụ già biểu diễn văn nghệ, tập dưỡng sinh.

Đón Tết không có gia đình, người thân nhưng sự quan tâm của cán bộ Trung tâm cùng những tấm lòng hảo tâm, nhân ái sẽ giúp các đối tượng ở Trung tâm vơi bớt nỗi nhớ nhà, vơi bớt nỗi buồn, mặc cảm. 12 năm công tác tại Trung tâm Bảo trợ số III Hà Nội, điều dưỡng Đỗ Kim Oanh luôn nhận được sự tin yêu của các cụ già, em nhỏ. Chị Oanh cho biết: " Đã nhiều năm nay, cứ Tết đến, Trung tâm mổ lợn, gói bánh chưng và tổ chức tất niên. Chúng tôi tạo ra không khí ấy để các cụ, các cháu như được quây quần bên gia đình thực sự của mình vì người già thường đa cảm, ai cũng mong được sùm vầy bên con cháu khi tết đến xuân về. Tôi được phân công phụ trách khu B3, nơi có 13 cụ sinh sống. Tôi thuộc lòng tính cách, sở thích của từng cụ, có cụ thích dịu dàng, có cụ thích hài hước. Gắn bó công việc suốt 12 năm qua, tôi luôn muốn cùng sẻ chia, coi các cụ như ông, bà của mình để các cụ vơi đi nỗi cô quạnh tuổi già", chị Oanh chia sẻ.

Mỗi dịp tết đến, xuân về, nhiều cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đã thăm hỏi, động viên, tặng quà và chúc Tết đến với các cụ già và em nhỏ. Chính sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng giúp các cụ và em nhỏ kém may mắn nơi đây có được Tết đủ đầy và ấm áp. "Những phần quà của nhà tài trợ dù nhỏ cũng chính là niềm động viên, an ủi giúp chúng tôi vơi đi nỗi cô đơn trong những ngày Tết. Những cháu nhỏ ríu rít rất vui và cảm động", bà Nhung chia sẻ.

Tết đang về từng nhà, người người quây quần bên nhau sum họp. Với những cụ già neo đơn, trẻ em kém may mắn, nhận được sự quan tâm, sẻ chia của nhân viên Trung tâm cũng như sự chung tay sẻ chia của cộng đồng giúp họ vượt qua nỗi cô đơn bất hạnh, để cùng nhau đón một năm mới ngập tràn niềm vui.