Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa: 80% các vụ bạo lực gia đình đã được giải quyết kịp thời

(Dân sinh) - Những năm qua, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Nhờ vậy, 80% các vụ bạo lực gia đình đã được các tổ hòa giải và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình giải quyết kịp thời…

Để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, Ban chỉ đạo Công tác phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Thanh Hóa đã lồng ghép có hiệu quả nội dung công tác gia đình với phong trào của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể. Trọng tâm là phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa" gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo Công tác gia đình tỉnh Thanh Hóa còn duy trì và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ về gia đình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Hầu hết các địa phương đã thành lập được mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, các câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững", "Gia đình hạnh phúc", "5 không 3 sạch"… Nhờ vậy, số vụ bạo lực gia đình tại các địa phương của tỉnh Thanh Hóa đã giảm đáng kể.

 Cụ thể, đã có 80% các vụ bạo lực gia đình đã được các tổ hòa giải và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình giải quyết kịp thời; nhận thức của đa số các tầng lớp nhân dân đối với công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình được nâng lên rõ rệt.

Theo thống kê của các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 30.000 vụ bạo hành gia đình xảy ra, riêng số trường hợp vợ bị chồng bạo hành chiếm 3/4, tức khoảng 60 vụ/ngày.

Đáng chú ý hơn, chỉ có khoảng một nửa số người bị bạo hành chịu chia sẻ, tâm sự nói ra nỗi niềm, còn lại là giấu kín. Nguyên nhân đầu tiên khiến các nạn nhân giấu kín là vì sợ, nỗi sợ đến từ cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc.

Theo các luật sư, Luật chống bạo hành đã có hiệu lực từ nhiều năm. Người chồng sẽ bị khởi tố hình sự nếu tỷ lệ thương tật trên 11%, dưới 11% sẽ bị xử lý hình sự tội hành hạ người khác. Hội phụ nữ, công an địa phương luôn sẵn sàng hỗ trợ trong mọi trường hợp bị bạo hành. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ sợ khi tố cáo và ly hôn sẽ không còn được nuôi con nên đành chịu đựng bị đòn.

Bạo hành có ba hình thức gồm: bạo hành tinh thần, bạo hành thể xác, bạo hành tình dục. Luật chống bạo hành số 02/2007/QH12 của Quốc hội đã quy định, ngay khi sự việc xảy ra, người bị bạo hành lên tiếng, Chủ tịch phường hoặc xã ngay lập tức có quyền yêu cầu cấm tiếp xúc 3 ngày để đảm bảo an toàn cho người bị bạo hành.