Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Pháp luật

Thanh Hóa: Chợ tự phát gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông

(Dân sinh) - Dù đã có chỉ đạo của UBND tỉnh về việc xóa bỏ các chợ tự phát trên địa bàn, thế nhưng tại nhiều địa phương ở Thanh Hóa chợ tự phát vẫn tồn tại, tiềm ẩn nhiều rủi do về môi trường, an toàn giao thông. Điển hình như chợ tự phát nằm ngay đường vào Khu kinh tế Nghi Sơn tồn tại nhiều năm nay vẫn không được giải quyết triệt để, khiến người dân lo lắng…

Một chợ tự phát đã tồn tại trong một thời gian dài, nằm ngay đường vào trụ sở Ban Kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa thuộc xã Trúc Lâm, Tĩnh Gia nhưng địa phương này vẫn không giải quyết triệt để.

Chợ tự phát này nằm ngay trên đường của khu tái định cư xã Trúc Lâm. Một bên là đường vào trụ sở Ban Kinh tế Nghi Sơn, bên kia là vào công sở xã Trúc Lâm. Chợ nằm quay lưng ra quốc lộ 1A, cách một con mương, gây mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thanh Hóa: Chợ tự phát gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông - Ảnh 1.

Chợ tự phát tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường.

Theo người dân địa phương, ban đầu, một số cá nhân buôn bán nhỏ đã tụ tập lại thành một điểm bán hàng, sau đó nhân rộng ra vài chục và đang phát triển thêm. Những mặt hàng của chợ chủ yếu là: Thịt, cá, hoa quả, rau xanh, đồ gia dụng, quần áo… Các tiểu thương tiến hành căng bạt, dựng lều, lợp tôn, đóng sạp hoặc bán luôn trên mặt đất trông rất nhếch nhác. Người lớn vào chợ không cẩn thận sẽ bị các dây neo cứa vào mặt.

Do là chợ tự phát nên chẳng ai quản, chẳng ai nhắc nhở việc thu gom, xử lý rác, nước thải nên tiện đâu người dân đổ ở đó. Những hàng làm cá sống, đồ hải sản đẩy thẳng nước xuống con mương tiếp giáp với quốc lộ 1A khiến nó trở nên bốc mùi nống nặc.

Thanh Hóa: Chợ tự phát gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông - Ảnh 2.

Rác thải đổ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường từ chợ tự phát.

Chị Hoàng Thị Loan, nhà gần chợ tự phát thuộc ở khu tái định cư bức xúc: "Các anh thấy đấy, mùi tanh, nồng bốc lên không thể chịu được. Hôm nay mát trời còn đỡ chứ những hôm trời nắng nóng thì mùi hôi thối khiến cả gia đình nôn nao, ăn không ngon, ngủ chẳng yên. Họ chế biến hàu, ngao, sò các kiểu rồi đổ luôn ra đó, rác thải đầy đường không thể nào chịu nổi. Cứ thế này dân chúng tôi mắc bệnh cả thôi. Mong các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh sớm dẹp chợ, trả lại cuộc sống yên bình cho dân chúng tôi".

Trước những bức xúc của người dân, ông Đỗ Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Trúc Lâm cho biết: Đúng là trên địa bàn đang có chợ tự phát họp vào buổi sáng. Biết là không đúng pháp luật, gây mất mỹ quan đô thị nhưng vì sinh kế của người dân nên tạm thời để hoạt động. Về lâu dài chúng tôi sẽ quy hoạch xây dựng một cái chợ khang trang cho người dân vào buôn bán. Chứ để thế này thì không kiểm soát được vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chợ cóc vẫn tồn tại là việc thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng, không xử lý hoặc mức xử phạt thấp, không đủ sức răn đe. Một phần do thói quen tùy tiện mua bán của người dân, tâm lý xuề xòa, dễ dãi muốn mua nhanh, bán gọn đã tạo cơ hội cho việc hình thành, tồn tại chợ cóc. Cách vị trí chợ tự phát Trúc Lâm không xa là chợ Trúc (xã Xuân Lâm) được đầu tư khang trang, bài bản, mức thuê các gian bán hàng khá thấp nhưng người dân vì thói quen lại không chịu vào buôn bán.

Thanh Hóa: Chợ tự phát gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông - Ảnh 4.

Ông Đỗ Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Trúc Lâm.

Trước đó, ngày 28/2/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản 2258/UBND-KTTC về việc xóa bỏ các chợ tự phát trên địa bàn, chỉ ra: Hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn phổ biến tình trạng họp chợ tự phát, lấn chiếm vỉa hè, long lề đường và các khu vực xung quanh chợ, gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ảnh hương tới hoạt động kinh doanh của các tiểu thương tại các chợ nằm trong quy hoạch.

Để chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động chợ trên địa bàn đúng quy định, giải quyết triệt để tình trạng chợ tự phát, yêu cầu các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch xóa bỏ dứt điểm các chợ cóc, chợ tự phát. Trong đó xác định rõ lộ trình, phương án xóa bỏ hoặc di dời, giải pháp xử lý các vấn đề có liên quan, đến ngày 30/5/2019 phải cơ bản giải quyết xong.

Chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa đến ngày 30/5/2019 phải cơ bản giải quyết xong, vậy mà đến nay, chợ tự phát trên địa bàn huyện Tĩnh Gia vẫn tồn tại, bất chấp quy định của nhà nước là do đâu?

Tin liên quan