Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa: Khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất chế biến lúa gạo

(Dân sinh) - Sáng 30/11, Tại xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa), Công ty Cổ phần thương mại Sao Khuê đã long trọng tổ chức lễ khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo.

Được khởi công xây dựng từ tháng 2/2019, có tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, với quy mô công suất 30.000 tấn gạo thành phẩm/năm. Sau 10 tháng xây dựng, Nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo đã hoàn thành đầu tư xây dựng và đi vào vận hành với 2 dây chuyền theo công nghệ sản xuất lúa tươi và dây chuyền xay xát chế biến, đóng gói theo công nghệ tiên tiến, hiện đại, có tính năng kỹ thuật tự động hóa cao, đáp ứng nhu cầu thu mua, sấy khô và xay xát, chế biến lúa gạo tại các cùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 

Thanh Hóa: Khánh thành và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất chế biến lúa gạo - Ảnh 1.

Lễ khánh thành nhà máy sản xuất ché biến lúa gạo

Dự án đi vào hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, không những tạo việc làm trực tiếp và thu nhập ổn định cho nhiều lao động, tăng thu cho ngân sách Nhà nước, mà còn đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, dự án còn tạo ra chuỗi liên kết sản xuất các giống lúa có giá trị kinh tế cao, bao tiêu sản phẩm trồng trọt của bà con nông dân.

Để có nguồn nguyên liệu ổn định, phục vụ sản xuất, kinh doanh cho nhà máy, Công ty Cổ phần thương mại Sao Khuê đã và đang đầu tư đẩy mạnh việc phát triển vùng nguyên liệu theo hướng tập trung, quy mô cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, với tổng diện tích hơn 500 ha. Cùng với đó, xây dựng các cửa hàng thương nghiệp, bán lẻ trên địa bàn tỉnh, với tổng số điểm bán hàng hiện có của công ty đã lên tới 200 điểm...

Phát biểu tại lễ khánh thành, bà Lê Thị Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh, nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo của công ty đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững. 

Do đó, để Nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo hoạt động ổn định, bền vững, không ngừng nâng cao công suất, chất lượng, các ngành, các cấp, thường xuyên quan tâm, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng và mở rộng vùng lúa chất lượng cao, đáp ứng vùng nguyên liệu cho nhà máy.

Công ty cần xây dựng, hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ đến quản trị nguồn nhân lực; chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cùng với việc tiết giảm chi phí để nâng cao hiệu quả tối đa hoạt động trong quá trình sản xuất, kinh doanh....