Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh Hóa: Nhiều địa phương tái phát dịch tả lợn châu Phi

(Dân sinh) - Đến 16h ngày 16/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1.102 thôn, 232 xã của 21 huyện đang còn dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết, từ ngày 23/2 đến 16h ngày 16/9, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 12.796 hộ của 1.597 thôn, 420/635 xã của 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; buộc phải tiêu hủy 96.964 con lợn, trọng lượng 6.893.158,1 kg.

Thanh Hóa: Nhiều địa phương tái phát dịch tả lợn Châu phi - Ảnh 1.

Phun thuốc tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch tả lợn Châu phi

6 huyện đã công bố hết dịch gồm: Thường Xuân, Mường Lát, Ngọc Lặc, Quan Hóa, Bỉm Sơn, Quan Sơn và 270 xã, trong đó có 82 xã tái phát sinh lại dịch. Đến nay, 6 huyện và 188 xã đã công bố hết dịch, dịch bệnh đã qua 30 ngày chưa phát sinh dịch lại.

Riêng ngày 16/9, phát sinh thêm 2.421 con lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, trọng lượng 179.720,5 kg của 608 hộ chăn nuôi ở 261 thôn, 80 xã thuộc 11 huyện. Như vậy tính đến 16h ngày 16/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1.102 thôn, 232 xã của 21 huyện đang còn dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày. 

Dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bắt đầu từ tháng 2/2019 tại huyện Yên Định và tiếp tục lây lan. Đến tháng 5 và 6/2019, dịch bùng phát trên diện rộng là cao điểm của dịch bệnh trên địa bàn tỉnh; đến tháng 7/2019 và đầu tháng 8, dịch bắt đầu có dấu hiệu giảm dần. 

Riêng trong tháng 8/2019, tổng số xã, thôn, hộ chăn nuôi phát sinh dịch và số lợn mắc bệnh tiêu hủy cũng giảm so với tháng 7/2019. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong 10 ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9 có chiều hướng tăng mạnh.

Được biết, từ khi phát sinh dịch bệnh đến nay, 27 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập 50 tổ kiểm soát lưu động và 622 chốt kiểm soát. Trong đó, hiện 272 chốt kiểm soát đang hoạt động; đã giải tán 350 chốt do nhiều xã đã công bố hết dịch để thực hiện việc tuần tra, kiểm tra các hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn huyện, tỉnh để ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh động vật.