Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thành phố Hồ Chí Minh: Trí tuệ nhân tạo là nền tảng xây dựng đô thị thông minh

(Dân sinh) - Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng trí tuệ nhân tạo là hạt nhân để thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và làm nền tảng để thành phố triển khai thành công đề án đô thị thông minh.

Hội thảo quốc tế diễn ra ngày 25/9 với tên gọi "Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) - Khuyến cáo cho thành phố Hồ Chí Minh" được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức, nhằm mục tiêu xây dựng Chương trình "Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2025" với sự tham dự của: Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh; ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam...

Đây là sự kiện lớn thứ hai về trí tuệ nhân tạo trong năm nay được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, cho thấy sự quan tâm tới xu hướng này của thành phố, nhằm nghiên cứu và tìm cách ứng dụng nhanh nhất trí tuệ nhân tạo vào đời sống, sản xuất.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết từ năm 2015, thành phố đã đưa các dự án ứng dụng AI vào Chương trình kích cầu với mức hỗ trợ lãi suất mỗi dự án lên tới 100 tỉ đồng.

Đến năm 2017, thành phố đã tích hợp một số lĩnh vực AI vào đề án xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh. Điều này được kỳ vọng như một sự đột phá để thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trên địa bàn và làm nền tảng để thành phố triển khai thành công đề án đô thị thông minh.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thách thức lớn nhất để thành công trong ứng dụng AI vào thực tế là vấn đề con người và cách tổ chức. 

Việc chia sẻ dữ liệu và nguồn dữ liệu mở sẽ thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, Ngân hàng Thế giới tin tưởng và sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh trong áp dụng trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, việc ứng dụng AI cần đi đôi với quản lý rủi ro, bảo mật dữ liệu.

"Hội nghị cũng là một minh chứng cho thấy các vị lãnh đạo của thành phố đã ý thức sâu sắc điều này. Do đó, câu hỏi đặt ra không phải là lý do tại sao cần áp dụng AI mà thực sự là sẽ ứng dụng những gì và làm như thế nào. Cụ thể, AI có thể mang lại những gì và bằng cách nào để đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đô thị thịnh vượng và có khả năng chống chịu tốt hơn trong tương lai", ông Dione nói.

Tại hội thảo, các tham luận của chuyên gia trong và ngoài nước cũng sẽ đưa ra giải pháp và xây dựng hệ sinh thái ứng dụng Trí tuệ nhân tạo tại thành phố Hồ Chí Minh như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hướng tới đô thị thông minh; tương lai công nghệ và đổi mới sáng tạo cho thành phố thông minh; trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực công, từ xu hướng đến ứng dụng thực tiễn; phát triển trí tuệ nhân tạo 2020 - 2030: Tầm nhìn và chiến lược; vai trò của nghiên cứu trong việc phát triển AI tại Việt Nam; cơ hội và thách thức trong tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo của ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh; Áp dụng trí thông minh nhân tạo cho quản lý quy hoạch đô thị - Phân tích ảnh viễn thám cho thành phố Hồ Chí Minh…