Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thanh toán online “lên ngôi” thời Covid 19

Giữa lúc dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp, người dân thay vì thói quen dùng tiền mặt khi đến siêu thị, chợ để mua hàng hóa thì giờ đây đã chuyển sang mua hàng trực tuyến, thanh toán online nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho bản thân và cộng đồng.

Mua hàng trực tuyến, thanh toán online

Là người đảm nhiệm vai trò nội trợ trong gia đình, trước giờ chị Nguyễn Thị Yến (Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội) vẫn chỉ có thói quen dùng tiền mặt mỗi khi mua hàng, nhưng từ khi dịch Covid 19 xảy ra chị đã giảm thời lượng ra ngoài mua đồ chuyển sang mua hàng trên mạng và thanh toán qua Mobile Banking. Chị Yến chia sẻ: "Dịch bệnh Covid 19 lây lan qua đường tiếp xúc thông thường, do đó, tiền mặt cũng có thể trở thành nguồn lây bệnh nếu có người nhiễm và truyền virus vào tiền thông qua tiếp xúc. Vì vậy mình đã chuyển sang mua hàng trên mạng để tránh phải đến chỗ đông người. Việc mua hàng giờ cũng rất thuận tiện, chỉ cần vài phút trên điện thoại thông minh, là mình có thể chọn lựa các món đồ từ thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo….sau đó chuyển khoản thanh toán là xong".

Thanh toán online “lên ngôi” thời Covid 19 - Ảnh 1.

Tránh đến những nơi đông người nhiều bà nội trợ chọn giải pháp mua hàng trực tuyến.

Vẫn giữ thói quen đi siêu thị mua đồ cho cả tuần vào những ngày nghỉ cuối tuần, nhưng từ ngày xảy ra dịch bệnh, chị Hồng Hạnh ở Định Công, Hà Nội đã từ bỏ thói quen rút tiền mặt ở ATM để thanh toán cho các hóa đơn. "Thường trước khi đi chợ, tôi sẽ ra ATM rút tiền, nhưng từ ngày dịch COVID-19 lan rộng, lại thêm ATM cáu bẩn như chẳng có người vệ sinh bao giờ nên sợ lây bệnh, tôi chuyển sang dùng các ví điện tử hoặc ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng vừa tiện lợi lại tránh được một số nguy cơ lây nhiễm bệnh"- chị Hạnh cho hay.

Chỉ là tín đồ của những mặt hàng thời trang trên mạng, nhưng thời gian gần đây chị Trần Thu Huyền ở Cầu Giấy, Hà Nội đã chuyển hẳn sang mua hàng qua mạng để hạn chế ra khỏi nhà cũng như đến mua sắm ở những nơi đông người. "Trước đây mỗi lần đi siêu thị, tôi hay trả bằng tiền mặt hay thẻ visa nhưng cả tháng nay, lo sợ bệnh dịch nên tôi thường mua sắm online, giao hàng tận nhà. Tình hình bệnh dịch hiện nay không thể đùa với sức khoẻ của bản thân và gia đình được do vậy càng ít phải tiếp xúc với người lạ càng tốt vì mình không thể biết nguồn lây nhiễm xuất hiện ở đâu, khi nào" – chị Huyền chia sẻ.

Ông Ngô Anh Tuấn - Giám đốc kinh doanh phụ trách VNPAY-QR thông tin: "So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng người dân quan tâm đến các hình thức thanh toán không tiền mặt tăng lên. Tốc độ tăng trưởng giao dịch thanh toán qua mã VNPAY QR trong tháng 2/2020 tăng tới 600%".

Nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán không tiền mặt của người dân, số điểm thanh toán qua mã VNPAY-QR hiện đã tăng lên hơn 50.000. Song song với đó, VNPAY sẽ tiếp tục phát triển, cải tiến giải pháp, mang đến hình thức thanh toán tiện lợi, hiện đại hơn.

"Dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến hành vi người tiêu dùng, hầu hết đều có xu hướng tìm đến những phương thức trực tuyến hiện đại và an toàn. Khi dịch vụ ngày càng gần gũi với người dân hơn, ưu việt hơn, tôi nghĩ sẽ thay đổi được thói quen thanh toán từ truyền thống sang hình thức online", lãnh đạo VNPAY-QR nói.

Giảm phí, đẩy mạnh thanh toán online trong thời dịch bệnh

Ngân hàng Nhà nước cho biết trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid -19, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã xây dựng Chương trình miễn, giảm phí dịch vụ, gồm miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến (online) các dịch vụ công (dự kiến áp dụng đến hết tháng 12/2020); giảm phí chuyển mạch đối với các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 đồng/giao dịch trở xuống) từ 1.800 đồng/giao dịch xuống 500 đồng/giao dịch (dự kiến áp dụng từ ngày 25/2/2020). Cụ thể miễn phí đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương.

Giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ cho người sử dụng dịch vụ thời gian áp dụng, mức phí giảm tối thiểu tương đương với thời gian, mức phí giảm mà NAPAS áp dụng đối với các ngân hàng thành viên (1.300 đồng/giao dịch); khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện mức phí giảm lớn hơn mức phí giảm của NAPAS nhằm hỗ trợ thị trường, thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ.

Thanh toán online “lên ngôi” thời Covid 19 - Ảnh 3.

Nhiều giải pháp khuyến khích người dân thanh toán không bằng tiền mặt.

Thống kê từ Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho thấy, đã có 32/45 ngân hàng thành viên của NAPAS thực hiện miễn hoặc giảm phí cho các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị từ 500.000 đồng trở xuống.

Theo đó, nhiều ngân hàng thực hiện miễn phí các giao dịch cả trong nội bộ và liên ngân hàng qua kênh điện tử (Internet Banking, Mobile Banking...) như: Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB)...

Mới đây nhất, NAPAS đã thông báo sẽ giảm 50% đối với phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các giao dịch có giá trị từ 500.001 đồng - 2.000.000 đồng từ ngày 25/3 đến hết ngày 31/12/2020. Đồng thời, Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng thực hiện chiết khấu 50% tổng số tiền khai thác sử dụng thông tin tín dụng của tổ chức tín dụng từ tháng 3/2020 đến tháng 12/2020. Đây là tiền đề để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục điều chỉnh miễn hoặc giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng cho các khoản giao dịch dưới 2 triệu đồng.

Ngoài giải pháp từ ngành ngân hàng, để khuyến khích khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, giới chuyên gia còn đề xuất doanh nghiệp phân phối cũng như các trung gian thanh toán như ví điện tử cần đưa ra các hình thức khuyến mãi, giảm giá nếu khách hàng sử dụng phương thức thanh toán này; tích hợp thêm nhiều tiện ích trên cùng một ứng dụng. Đồng thời, việc thiết lập các cơ sở hạ tầng mạng internet và an ninh mạng để hỗ trợ việc thanh toán và phòng tránh các rủi ro khi giao dịch cũng cần được tính đến.