Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thế giới có trên 36,7 triệu ca mắc COVID-18 và hơn 1,06 triệu người đã tử vong

Đến sáng 9/10, trên thế giới đã có trên 36,7 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, trong đó, hơn 1,06 triệu người đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với hơn 7,8 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 và trên 217.500 trường hợp thiệt mạng. Trong ngày qua, Mỹ đã ghi nhận thêm hơn 44.600 ca mắc COVID-19 mới.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, ngày 8/10, đã có thêm hơn 70.800 người mắc bệnh, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia này lên trên 6,9 triệu ca nhiễm. Đến nay, hơn 106.500 trường hợp đã tử vong vì bệnh dịch này.

Số người mắc COVID-19 tại Brazil đã vượt ngưỡng 5 triệu trường hợp, trong đó gần 149.000 bệnh nhân đã không qua khỏi. Trong 24 giờ qua, Brazil đã ghi nhận hơn 26.000 ca mắc COVID-19 mới.

Thế giới có trên 36,7 triệu ca mắc COVID-18 và hơn 1,06 triệu người đã tử vong - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Tình hình dịch bệnh đặc biệt đáng quan ngại tại châu Âu khi nhiều nước tại đây ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt. Cụ thể, Nga xác nhận gần 11.500 ca mắc mới trong ngày 8/10, gần bằng số trường hợp nhiễm mới theo ngày cao nhất ghi nhận vào thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 5 vừa qua. Hiện Nga vẫn là tâm dịch COVID-19 lớn thứ 4 thế giới với trên 1,2 triệu ca mắc và hơn 22.000 người tử vong.

Bên cạnh đó, nhiều nước châu Âu có số người nhiễm trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát trong nước như Ba Lan (4.280 ca), Slovakia (trên 1.000 ca), Ukraine (gần 5.400 ca),, Áo (hơn 1.200 ca), Croatia (trên 500 ca)... Trong bối cảnh số ca nhiễm tăng mạnh, chính phủ nhiều nước châu Âu đang cân nhắc bổ sung các biện pháp hạn chế.

Tại khu vực châu Á, tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Indonesia đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay với 4.850 ca, nâng tổng số người mắc COVID-19 ở nước này lên hơn 320.500 trường hợp, trong đó có hơn 11.500 bệnh nhân tử vong. Indonesia là quốc gia có số người tử vong do mắc COVID-19 cao nhất khu vực.

Ngày 8/10, Bộ Y tế Philippines cho biết, nước này đã ghi nhận thêm hơn 2.300 ca mắc mới và 144 người tử vong. Đây là ngày ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao nhất tại Philippines trong hơn 3 tuần qua. Như vậy, nước này đến nay đã có hơn 331.800 ca mắc COVID-19, trong đó có trên 6.000 bệnh nhân tử vong. Philippines hiện là nước có số ca nhiễm cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, Malaysia đã bác bỏ thông tin lan truyền trên mạng xã hội rằng 13 thành viên chính phủ bị nhiễm COVID-19. Ngày 8/10, nước này ghi nhận 375 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó có 371 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, Malaysia đã có tổng cộng trên 14.300 người nhiễm COVID-19, trong đó 146 người đã thiệt mạng.

Tại Trung Đông, Iran đã đóng cửa biên giới với Iraq do dịch bệnh tái bùng phát tại Iraq. Theo đó, người dân Iran sẽ không thể đến Iraq để thực hiện lễ hành hương Arbaeen, một nghi lễ của người Hồi giáo theo dòng Shiite, vào ngày 8/10. Giới chức Iran hối thúc những người hành hương hạn chế đến các khu vực biên giới Iran và Iraq.

Thế giới có trên 36,7 triệu ca mắc COVID-18 và hơn 1,06 triệu người đã tử vong - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye thông báo sẽ siết chặt các biện pháp phòng chống COVID-19 tại các vùng lãnh thổ nước này, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội và đeo khẩu trang tại nơi công cộng cũng như nơi đông người. Đến nay, trên 43.200 người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Palestine.

Trong khi đó, giới chức Tunisia thông báo sẽ bắt đầu áp đặt lệnh giới nghiêm từ 21h hôm trước đến 5h sáng hôm tại vùng thủ đô Tunis, bao gồm các tỉnh Tunis, Ariana, Ben Arous và Manouba. Quyết định sẽ có hiệu lực trong 15 ngày kể từ ngày 8/10. Với trên 2.300 ca mắc mới trong ngày 8/10, hiện số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này là gần 26.900 trường hợp, trong đó 409 bệnh nhân đã không qua khỏi

Trước tình hình dịch bệnh đáng lo ngại trên toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế thế giới suy thoái và có thể đẩy 115 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực. Con số này cao hơn mức 100 triệu người mà WB dự báo hồi tháng 8 vừa qua.