Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thế là Hà Nội vào thu

Khi những cơn gió heo may luồn trong lòng phố, một nếp khăn mỏng thanh trên chiếc cổ trắng ngần của “ít nhiều cô gái buồn không nói”… Thế là Hà Nội vào thu.

Tôi cứ thích nhìn thành phố với con mắt của một gã trai ở lưng chừng tuổi trẻ. Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trong mắt của một gã trai cũng giống như những người thiếu nữ, một ồn ào, một sâu lắng, một dữ dội, một êm đềm. Hai người con gái ở hai miền xa cách, ngược nhau ấy mà cứ thấy quấn lấy nhau níu lại hồn người.

Thế là Hà Nội vào thu - Ảnh 1.

Nhưng chỉ có ở Hà Nội, người ta mới cảm nhận rõ ràng những giao mùa của thời gian. Nhiều người vẫn rỉ tai nhau rằng: Hãy đến với Hà Nội vào mùa thu. Mùa thu Hà Nội trải qua bao nhiêu thăng trầm thời gian nhưng vẫn tràn trề thanh xuân, chẳng bao giờ kém hấp dẫn mỗi ngày.

Đó là khi những hàng cây rùng mình trút lá. Những chiếc lá vàng dù tạo ra vô vàn phiền toái cho các bác lao công, nhưng lại là khoảnh khắc cho nhiều bức hình đẹp của bao nhiêu cô gái… thậm chí còn có cả trai.

Thế là Hà Nội vào thu - Ảnh 2.

Thu Hà Nội ngoài tiết trời còn có những thức quà gắn với mùa này. Đầu tiên phải kể đến cốm. Thứ quà được bọc lại với màu xanh của lá sen, được buộc khéo bằng những dây rơm nếp, mùi thơm và ngậy của cốm ấy mà quyện với một ly trà được ấp ủ bằng sen Hồ Tây, ngồi buông mắt bơ vơ nhìn ra phố phường, nơi có những dòng người vội vã đi qua thật đẹp biết nhường nào.

Thế là Hà Nội vào thu - Ảnh 3.

Nhưng đã ăn cốm thì thường phải có một nải chuối tiêu chín vàng để cho hai vị ấy được giao thoa với nhau. Nói như một thanh niên nghiền thịt chó nhưng thỉnh thoảng còn làm thơ thì, ăn cốm mà không có chuối tiêu cũng như ăn thịt chó mà không có mắm tôm.

Cốm Hà Nội cũng chính vì thế trở thành một thức quà không thể thiếu để tặng cho những người phương xa. Nghĩa tình lúc đó cũng ngọt ngào như hương cốm, thanh lịch như vỏ ngoài là vậy.

Ngoài cốm, mùa thu Hà Nội còn là tiết trời hợp vị với rất nhiều thức quà vặt. Có những thứ quà triền miên mùa nào cũng có, nhưng chỉ với tiết trời vào thu mới thấy ngào ngạt vị. Ốc nóng là một minh chứng điển hình. Có câu rằng "Ốc tháng mười, người Hà Nội". Trong những ngày se lạnh, thưởng thức những bát ốc nóng đang bốc mùi, chấm với nước gia vị đặc trưng của mỗi cửa hàng sẽ thấy nồng nàn hương vị. Cũng có ý kiến cho rằng, sở dĩ ốc phải là tháng 10 vì mùa thu là mùa ốc béo nhất trong năm.

Thế là Hà Nội vào thu - Ảnh 4.

Hồng ngâm cũng là một thứ quà không thể thiếu vào mùa thu của Hà Nội. Dù rằng, lai lịch xuất xứ của nó lại diệu vợi miền xa. Hồng ngâm là loại quả được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc như Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn du nhập vào Hà Nội độ thu sang, cũng là mùa rộ của hồng. Sở dĩ gọi là hồng ngâm bởi quả hồng khi hái xuống còn xanh chát, phải ngâm nước vài ngày mới hết.

Thưởng thức quà Hà Nội, thêm một cốc trà sen mà nghe du dương một ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang thì Hà Nội lúc ấy thu mới thật thu. Nhắc đến Phú Quang, chắc hẳn người ta nhớ nhiều đến những ca phúc về mùa thu của Hà Nội. Nói như đạo diễn Lê Hoàng, thì Phú Quang đã "bán" Hà Nội. Một giao dịch không văn tự. Nhưng bán theo nghĩa đen của nó thì chính là bán vé để xem ca nhạc mang thương hiệu Phú Quang. Từng có thời gian sống ở thành phố Hồ Chí Minh, nhưng Phú Quang lại trở về Hà Nội, trở về như người quê "úp mặt vào sông quê" vậy.

Thế là Hà Nội vào thu - Ảnh 6.

Mùa thu Hà Nội trải qua bao nhiêu thăng trầm thời gian nhưng vẫn tràn trề thanh xuân, chẳng bao giờ kém hấp dẫn mỗi ngày.

Đó là khi những hàng cây rùng mình trút lá. Những chiếc lá vàng dù tạo ra vô vàn phiền toái cho các bác lao công, nhưng lại là khoảnh khắc cho nhiều bức hình đẹp của bao nhiêu cô gái…