Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thêm trường hợp tiêm filler nâng mũi sắp mù mắt

(Dân sinh) - Trên thế giới và tại Việt Nam, filler (hay còn gọi là chất làm đầy) được dùng chủ yếu trong thẩm mỹ để xoá các nếp nhăn vùng mặt, các vùng giảm thể tích (teo, lõm, mất mô…) do yếu tố lão hoá theo thời gian hoặc do bệnh lý. Filler còn được dùng trong một số chỉ định khác của Tạo hình - Thẩm mỹ để tạo hình dạng cho một số bộ phận trên gương mặt cho đẹp hơn như nâng mũi, cằm, môi…

Hiện nay tại Việt Nam chưa có số thống kê chính thức về các tai biến, biến chứng liên quan đến filler, tuy nhiên số ca biến chứng tại Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM  và một số bệnh viện khác có xu hướng tăng nhanh. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người dân nghe theo lời quảng cáo của các cơ sở thẩm mỹ không phép hoặc từ những người không có chuyên môn thực hiện tiêm filler tại các cơ sở này.  

Gần đây, Khoa Tạo hình – Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM  tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh nhập viện điều trị biến chứng do tiêm filler tại các cơ sở thẩm mỹ không phép. Trong đó nhiều trường hợp biến chứng nặng không thể phục hồi như hoại tử da, nhiễm trùng, thậm chí là mù mắt.

Thêm trường hợp tiêm filler nâng mũi sắp mù mắt - Ảnh 1.

Biến chứng do tiêm filler

Điển hình là trường hợp của người bệnh tên V.T.H.T., 35 tuổi, ngụ tại quận 10 TPHCM. Mong muốn có một sống mũi đẹp hơn, chị T. đã nghe theo lời quảng cáo của một spa ở gần nhà và đến cơ sở này thực hiện tiêm filler nâng mũi. Sau 4 ngày tiêm filler không rõ loại, chị T. bị sưng đỏ vùng tiêm, mắt phải bị mờ. Khi đến khám tại Khoa Tạo hình – Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM  , các bác sĩ cho biết chị bị biến chứng do tiêm filler, gây nhiễm trùng và tắc mạch máu khiến vùng da mũi bị viêm đỏ, có hoại tử đen lấm chấm, mắt phải bị xuất huyết kết mạc và thu hẹp thị trường. Chị T. đã được dùng kháng sinh, giảm sưng nề, theo dõi chăm sóc vết thương. Các bác sĩ đánh giá di chứng để lại có thể là các vết sẹo trên da, giảm hoặc mất hẳn thị lực mắt phải.

Cũng thực hiện nâng mũi bằng phương pháp tiêm filler không rõ loại tại một cơ sở spa, anh V.V.N., 27 tuổi, ngụ tại Long An bị biến chứng nặng phải nhập viện điều trị. Sau khi tiêm filler vài ngày, anh N. phải nhập viện trong tình trạng mờ mắt, nhiễm trùng, hoại tử vùng da mũi, mất thị trường 1/2 dưới mắt phải. Sau khi chuyển đến Khoa Tạo hình – Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM , anh N. được làm các xét nghiệm MRI, soi đáy mắt. 

Kết quả cho thấy anh N. bị tổn thương mô hậu nhãn cầu phải, phù gai thị… Sau đó, anh N. được chỉ định dùng kháng sinh, giảm sưng nề và chăm sóc vết thương. Sau 5 ngày điều trị, anh N. được xuất viện nhưng có nguy cơ cao bị sẹo trên da và mất thị lực mắt phải.

Theo PGS TS BS. Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM , trung bình mỗi tháng Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ tiếp nhận 1 – 2 trường hợp bao gồm cả nam và nữ bị biến chứng nặng do tiêm filler, không ít trường hợp đã để lại biến chứng nghiêm trọng và không thể phục hồi.

PGS TS BS. Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo, việc thực hiện tiêm filler tại các cơ sở spa, dịch vụ làm đẹp không hợp pháp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra các biến chứng nặng nề, khó chữa. Vì vậy, để thực hiện làm đẹp nói chung và tiêm filler nói riêng an toàn và có kết quả tốt, người dân cần đến khám, tư vấn và chỉ định bởi các chuyên viên y tế chuyên khoa Tạo hình – Thẩm mỹ có chứng chỉ hành nghề tại các cơ sở hoạt động hợp pháp, đảm bảo đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như sử dụng các sản phẩm làm đẹp đã qua kiểm định của cơ quan chức năng.