Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thị trường ách tắc, HoREA đề xuất giải pháp ‘cứu’ bất động sản

(Dân sinh) - Dịch bệnh Covid-19 "tàn phá" mạnh hơn thị trường trầm trọng, trước tình hình này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM ( HoREA) đã kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ một số đề xuất nhằm 'cứu' thị trường bất động sản để mau chóng phục hồi trở lại.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, đặc biệt là Nghị định 41/2020/NĐ-CP "thần tốc" hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch nhằm thực hiện mục tiêu "kép", phục hồi và phát triển kinh tế đất nước năm 2020.

Hiện nay, "thương hiệu quốc gia Việt Nam", "thương hiệu Việt" trở thành tài sản phi vật thể quý giá, cùng với việc nước ta trở thành điểm đến sáng giá, có nhiều tiềm năng thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong tiến trình tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ tạo thêm động lực và lợi thế cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường bất động sản đã gặp khó khăn, vướng mắc từ hai năm 2018, 2019, với hàng trăm dự án bị ách tắc; nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở có giá vừa túi tiền bị sụt giảm mạnh; giá nhà tăng; người có nhu cầu thực khó tạo lập nhà ở; nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất đai và bất động sản bị sụt giảm. Dịch CoViD-19 càng làm trầm trọng thêm các khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.

Thị trường ách tắc, HoREA đề xuất giải pháp ‘cứu’ bất động sản  - Ảnh 1.

Dịch CoViD-19 càng làm trầm trọng thêm các khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà.

Trước đó, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, dẫn đến phải thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, làm cho thị trường bất động sản bị đóng băng. Năm 2009, với gói kích cầu đầu tư có giá trị khoảng 1 tỷ USD và điều chỉnh giảm dần lãi suất cơ bản, đã giúp nền kinh tế và thị trường bất động sản phục hồi. Nhưng việc kích cầu đầu tư và phát triển "nóng" lại gây ra "bong bóng" bất động sản năm 2010, dẫn đến việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ từ đầu năm 2011, làm cho thị trường bất động sản bị đóng băng lần thứ hai. Năm 2013, với gói kích cầu tiêu dùng 30.000 tỷ đồng, đã hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và kéo theo sự tăng trưởng của nhiều lĩnh vực kinh tế.

Từ kinh nghiệm xử lý các cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản trong hơn 10 năm qua, cho thấy thị trường bất động sản có khả năng phục hồi rất nhanh. Doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách. Thị trường bất động sản như chiếc lò xo bị nén, càng bị nén thì chỉ cần Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc về quy trình thủ tục hành chính và khai thông nguồn vốn tín dụng, thì sẽ bùng lên mạnh mẽ,  tạo nên cú hích cho nền kinh tế.

Thị trường ách tắc, HoREA đề xuất giải pháp ‘cứu’ bất động sản  - Ảnh 2.

Doanh nghiệp bất động sản không xin Nhà nước hỗ trợ bằng tiền, mà chỉ xin hỗ trợ về cơ chế chính sách

Trước hết, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tập trung vào thị trường nội địa, chuyển hướng mạnh mẽ vào phân khúc thị trường nhà ở có giá vừa túi tiền, nhất là căn hộ 1-2 phòng ngủ, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của đa số người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị và chuẩn bị sẵn sàng hấp thụ làn sóng đầu tư nước ngoài, trong trạng thái bình thường mới, chung sống an toàn với dịch CoViD-19.

Trước tình hình khó khăn hiện nay, Hiệp hội kiến nghị lên Thủ tướng Chính phúc một số đề xuất trọng tâm như:

Sớm ban hành "Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai", theo thủ tục rút gọn. Trong đó, có bổ sung hình thức "giao đất" đối với thửa đất do nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở; Đi đôi với quy định thửa đất do nhà nước quản lý có đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; nếu không đủ điều kiện tách được thành dự án độc lập thì giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án và xác định giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Đề nghị Quốc hội xem xét thông qua "Dự thảo Luật Đầu tư" theo thủ tục rút gọn, trong kỳ họp tháng 05-06/2020.

Các Bộ, ngành rà soát và hướng dẫn ban hành "Quy trình chuẩn 4 bước" về thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp theo quy định pháp luật hiện hành, để thống nhất thực hiện.

Theo quy trình thủ tục hiện nay, doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất dự án, rồi mới được công nhận chủ đầu tư, mới được cấp Giấy phép xây dựng, mới được thi công. Quy trình, thủ tục này làm chậm quá trình triển khai thực hiện dự án, làm tăng chi phí đầu tư, doanh nghiệp bị chôn vốn, làm tăng giá thành, làm tăng giá bán nhà, mà người mua phải gánh chịu. Bởi lẽ, thời gian làm thủ tục tính tiền sử dụng đất phải mất trên dưới 03 năm (hoặc lâu hơn); thời gian thi công mất trên dưới 02 năm mới đến thời điểm đủ điều kiện được huy động vốn. 

Quy trình này cũng không phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, vì pháp luật về xây dựng không quy định doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất rồi mới được thi công các công trình của dự án. Đồng thời, pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản chỉ quy định chủ đầu tư dự án phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trong 02 trường hợp:  Trước khi bán nhà ở có sẵn, hoặc bán nhà ở hình thành trong tương lai; Trước khi lập thủ tục xin cấp "sổ đỏ" dự án.

Do vậy, Hiệp hội đề xuất "quy trình chuẩn 4 bước", như sau: Thứ nhất lập thủ tục "Quyết định chủ trương đầu tư"; thứ hai lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Thứ ba lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Thứ tư công nhận chủ đầu tư; Cấp Giấy phép xây dựng (Chủ đầu tư được khởi công xây dựng); Lập thủ tục xác định tiền sử dụng đất, cấp "số đỏ" dự án.

Thị trường ách tắc, HoREA đề xuất giải pháp ‘cứu’ bất động sản  - Ảnh 4.

Hiệp hội đề xuất "quy trình chuẩn 4 bước"

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà, được xem xét cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn đối với các khoản nợ đến hạn trong năm 2020.

Không nên siết trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bổ sung được nguồn vốn đầu tư quan trọng của xã hội thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhất là hiện nay đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP là rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh, vừa trở thành kênh cung ứng vốn đầu tư trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trái phiếu.

Cộng hưởng với những khó khăn mới phát sinh do dịch CoViD-19, Hiệp hội đề nghị không nên siết hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay, để tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư xã hội cho lĩnh vực bất động sản.