Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thu nhập của lao động làm công hưởng lương đạt 6,7 triệu đồng/tháng

(Dân sinh) - Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương là 6,7 triệu đồng/tháng.

6 tháng: Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ước đạt 73,8%

Lao động, việc làm quý II/2020 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm mạnh. 

Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương trong quý II giảm.

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II/2020 ước tính là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đây là năm có mức giảm kỷ lục do trong quý II dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cùng với việc áp dụng giãn cách xã hội trong tháng 4/2020 nên thị trường lao động giảm ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và ở các ngành, nghề lao động. 

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 54,2 triệu người, giảm gần 1,3 triệu người so với cùng kỳ năm 2019. 

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 73,8%, giảm 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động quý II/2020 ước tính là 46,8 triệu người, giảm 2,1 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Lao động nam 25,9 triệu người, chiếm 55,3% tổng số và lao động nữ 20,9 triệu người, chiếm 44,7%; lao động khu vực thành thị là 16,4 triệu người, chiếm 35% và khu vực nông thôn là 30,4 triệu người, chiếm 65%. 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động là 47,9 triệu người, giảm 1,1 triệu người người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc quý II/2020 ước tính 51,8 triệu người, bao gồm 17 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 32,9% tổng số; khu vực công nghiệp và xây dựng 16 triệu người, chiếm 30,9%; khu vực dịch vụ 18,8 triệu người, chiếm 36,2%. 

 Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53 triệu người, bao gồm 17,6 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 33,2% tổng số (giảm 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng 16,3 triệu người, chiếm 30,7% (tăng 1,1 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ 19,1 triệu người, chiếm 36,1% (tăng 0,5 điểm phần trăm).

6 tháng, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,58%

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 6 tháng đầu năm, cũng theo Tổng cục Thống kê, ước tính là 2,26% (quý I là 2,02%; quý II là 2,51%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,62%; khu vực nông thôn là 1,59%. 

Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,47% (quý I là 2,22%; quý II là 2,73%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,82%; khu vực nông thôn là 1,77%. 

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) ước tính là 7%, trong đó khu vực thành thị là 10,45%; khu vực nông thôn là 5,5%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2020 là 2,21%; quý II là 2,97%. 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 2,58%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,67%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,05% (tỷ lệ thiếu việc làm 6 tháng đầu năm 2019 tương ứng là 1,52%; 0,86%; 1,85%).

Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản quý I/2020 là 55,3%; quý II ước tính là 55,9%. 

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương trong quý II/2020 là 6,3 triệu đồng/tháng, giảm 732 nghìn đồng so với quý trước và giảm 180 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nhập của lao động nam là 6,7 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 5,9 triệu đồng/tháng. 

Tính chung 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 6,7 triệu đồng/tháng, giảm 11 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.