Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng

(Dân sinh) - Ngày 12/5, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm trưởng đoàn đã kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Trà Vinh.

Cùng đi với đoàn có Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi; Phó Cục trưởng Cục Việc làm Tào Bằng Huy; ông Nguyễn Anh Xuân, Phó trưởng ban công tác phía Nam MTTQVN cùng lãnh đạo các đơn vị. 

Tại buổi làm việc các đại biểu đã giải đáp chi tiết từng thắc mắc, hướng dẫn địa phương tháo gỡ khó khăn để đưa gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đến với tất cả người dân.

 Hỗ trợ dứt điểm cho 3 nhóm đối tượng trước ngày 13/5

Báo cáo với Đoàn công tác về tình hình chi trả gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ của Chính Phủ đến với các đối tượng lao động tự do bị mất việc do dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh cho biết, bình quân mỗi năm tỉnh Trà Vinh giải quyết việc làm cho trên 25.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 65,56%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,2%; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,22%, hộ cận nghèo còn 6,8%; đời sống của người có công và đối tượng bảo trợ xã hội cũng gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Trà Vinh.

Toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp, với 6.976 lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong đó, chấm dứt hợp đồng lao động là 1.347 người, ngừng việc là 4.735 người; nghỉ luân phiên, nghỉ chờ việc là 400 người và chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài là 494 người. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số doanh nghiệp duy trì sản xuất cầm chừng, giảm giờ làm, tạm dừng, nghỉ chờ việc, cắt giảm lao động hoặc ngừng hoạt động. Từ đó, thu nhập của người lao động giảm hoặc mất đi nguồn thu nhập chính.

Tính đến nay các huyện, thị xã, thành phố đang hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng là người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến ngày 13/5/2020 sẽ hoàn thành.

Tổng số 3 nhóm đối tượng theo kế hoạch là 139.661 người, với kinh phí trên 134 tỷ đồng (trong đó, người có công với cách mạng là 9.217 người; người thuộc hộ nghèo là 26.576 người; người thuộc hộ cận nghèo là 73.083 người, đối tượng bảo trợ xã hội là 30.785 người).

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng - Ảnh 2.

Buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh.

Đối với các nhóm đối tượng là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hộ kinh doanh có doanh thu do cơ quan thuế quản lý thuế năm 2020 dưới 100 triệu đồng, tạm ngừng kinh doanh; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, hiện các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp và các xã, phường, thị trấn đã thông báo đến các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện để làm thủ tục, hồ sơ hưởng chính sách. Dự kiến đến ngày 15/5/2020, các đơn vị gửi danh sách về Sở để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt, để hỗ trợ chính sách.

Xác minh đến đâu chi trả đến đó

Cũng tại buổi làm việc, ông Dương Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh bày tỏ, trong quá trình triển khai thực hiện cho các nhóm đối tượng, còn một số địa phương chưa xác định rõ các nhóm đối tượng đủ điều kiện hưởng lợi chính sách, nhất là đối tượng "người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm" nên còn lúng túng trong quá trình triển khai.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng - Ảnh 3.

Ông Dương Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trà Vinh.

Thời gian rà soát, lập danh sách ngắn, một số đối tượng chưa có sự thống nhất, hướng dẫn cụ thể nên các địa phương còn khó khăn trong việc rà soát, lập danh các nhóm đối tượng, đặc biệt là các đối tượng bị trùng hưởng chính sách, đối tượng phát sinh, đối tượng là người bán vé số lưu động, đối tượng từ trần trong thời gian triển khai chính sách.

Số đối tượng hưởng chính sách rất lớn, yêu cầu các thông tin trong biểu mẫu hướng dẫn của Trung ương rất nhiều, nên công tác lập danh sách đối tượng hưởng lợi của địa phương còn chậm, đôi khi còn sai sót, phải điều chỉnh nhiều lần.

Sau khi nghe báo cáo và những thắc mắc của địa phương, Thứ trưởng đã chỉ đạo Cục Việc làm, Cục Bảo trợ xã hội và các đại biểu của đoàn công tác giải đáp một số thắc mắc và hướng dẫn một cách đầy đủ nhất.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng - Ảnh 4.

Ông Đồng Văn Lâm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh.

Tại buổi làm việc lãnh đạo tỉnh Trà Vinh kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm hướng dẫn biểu mẫu tổng hợp danh sách đối với nhóm đối tượng là "người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm" và nhóm đối tượng là "người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp" để địa phương thực hiện tốt trong việc tổng hợp danh sách, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét trình Thủ tướng Chính phủ mở rộng đối tượng hỗ trợ là người nghèo, người cận nghèo phát sinh sau ngày 31/12/2019 (do kết hôn, sinh con, nhập hộ khẩu,…) và mở rộng đối tượng hưởng chính sách theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg là người chăm sóc đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng theo Nghị định số 28/2012/NĐ-CP và Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh về gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng - Ảnh 5.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng ghi nhận và hoan nghênh cách làm chặt chẽ của tỉnh Trà Vinh. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung triển khai nhanh việc đưa số tiền từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ này đến người dân kịp thời đúng thời điểm nhất, không để sót trường hợp nào, tuyệt đối không để chi sai, chi trùng đối tượng...

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cùng đoàn công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại xã Tân Hùng.

Cùng ngày, Đoàn công tác đã đến kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần.

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Trần Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Tân Hùng trình bày: Toàn xã có 35 hộ nghèo chiếm 1,44%, hộ cận nghèo 120 hộ chiếm 6,78% so tổng số hộ chung. Trong thời gian qua UBND xã đã chỉ đạo cán bộ rà soát đối tượng chính sách người có công với cách mạng; đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo và cận nghèo đúng theo quy định. Cán bộ xã luôn chủ động phối hợp với các ngành liên quan và các ấp trong thời gian thực hiện để luôn đảm bảo: Chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách, tham nhũng.

Với nhóm đối tượng chính sách người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo xã đã lập danh sách và hỗ trợ 839 người, tổng số tiền 896.400.000 đồng. Trong đó đối tượng người có công 91 người; đối tượng bảo trợ xã hội 270 người; người thuộc hộ nghèo là 68 người; hộ cận nghèo là 410 người.

Đến nay UBND xã đã tổ chức cấp phát xong kinh phí hỗ trợ cho đối tượng người có công. Còn các đối tượng còn lại (bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo) UBND xã đang tổ chức cấp phát dự kiến đến hết ngày 12/5.

Sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch UBND xã, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm gợi ý, đây là gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ và không hỗ trợ thường xuyên nên địa phương có phương án thực hiện cụ thể, rõ ràng.

"Với nhóm đối tượng lao động tự do khi làm việc và tạm trú trên địa bàn xã đến đăng ký nhận hỗ trợ phải có xác nhận chưa từng nhận hỗ trợ từ địa phương đăng ký hộ khẩu", ông Huy nói.

Tại đây, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng ghi nhận những cố gắng của các cán bộ xã Tân Hùng, đồng thời yêu cầu xã cố gắng đẩy nhanh tiến độ hơn, sớm giải quyết hỗ trợ cho người dân đúng thời điểm…

"Chúng ta phải cố gắng đưa được số tiền từ gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đến với từng người dân nhanh nhất, giúp họ vượt qua khó khăn. Để làm được, chúng ta cần phải triển khai đúng chính sách, đúng đối tượng theo 3 bước: Bước 1 những đối tượng đã rõ danh sách ta nên áp dụng chi trả ngay. Bước 2, những đối tượng còn vướng mắc khó khăn, hãy hỏi ý kiến và chờ hướng dẫn. Bước 3, khi người dân có thắc mắc, khiếu nại, ta giải quyết sớm. Đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người lao động tự do mất thu nhập do dịch Covid-19. Đừng chờ đồng bộ các xã, xã nào lập danh sách xong trước mình chi trả trước", Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chỉ đạo.