Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Thừa Thiên – Huế đứng thứ 35 cả nước về chỉ số đào tạo lao động

Theo đánh giá xếp hạng về chỉ số đào tạo lao động, tỉnh Thừa Thiên – Huế xếp thứ 35/63 tỉnh, thành, giảm 18 bậc so với năm 2017

.Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2018, điểm số PCI của tỉnh tăng 1,14 điểm, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành, giảm 1 bậc so với năm 2017 nhưng vẫn nằm trong "nhóm khá" của cả nước so với "nhóm trung bình".

Về chỉ số đào tạo lao động, năm 2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế xếp thứ 35/63 tỉnh, thành, giảm 18 bậc so với năm 2017. Kết quả đó đi kèm với đánh giá sơ bộ đối với giáo dục phổ thông, giáo dục dạy nghề tại tỉnh hiện nay có chất lượng chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp.

Thừa Thiên – Huế đứng thứ 35 cả nước về chỉ số đào tạo lao động - Ảnh 1.

Học sinh, sinh viên Thừa Thiên - Huế tham dự Ngày hội Tư vấn, tuyển sinh học nghề năm 2019

Kết quả thống kê, trong giai đoạn 2014 - 2018, toàn tỉnh có 102.989 lao động được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2018 tăng 64%. Công tác đào tạo nghề đã từng bước chuyển từ hướng "cung" sang hướng "cầu" gắn với dự báo nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thừa Thiên - Huế giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh để ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%; trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 144 nghìn lao động, bình quân 28,8 nghìn lao động/năm.

Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển nhân lực đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, có cơ cấu nhân lực phù hợp, có trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng nghề nghiệp tốt, tác phong chuyên nghiệp, năng động, có phẩm chất phục vụ yêu cầu xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học công nghệ, y tế chuyên sâu, GD&ĐT đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao.

Toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có 35 cơ sở tham gia đào tạo nghề; trong đó có 8 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện và 13 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, có 3 cơ sở đào tạo nghề đặc thù cho các đối tượng người mù, người khuyết tật.